Ngày đăng: 06/08/2014 | Lượt xem: 6032
|
Các tuyến xe buýt từ tỉnh Đồng Nai về TP.HCM đều cho quảng cáo. Trong ảnh: quảng cáo trên xe buýt 603 tuyến KCN Nhơn Trạch - bến xe miền Đông - Ảnh: Quang Định |
Nhìn những chiếc xe buýt từ Long An ngược lên Chợ Lớn, từ Đồng Nai xuôi xuống bến xe miền Đông hay ở Tây Ninh thẳng đến Bến Thành... chở trên mình các thương hiệu bên hông xe, nhiều người đã ngạc nhiên khi biết TP.HCM hơn mười năm nay không cho quảng cáo trên xe buýt.
Khi những quy định đối với loại hình quảng cáo trên các tấm panô lớn ngoài trời được siết chặt hơn, quảng cáo trên thân xe buýt sẽ trở nên hữu dụng...
Những con số hấp dẫn
Bên trong thân xe là quảng cáo màn hình LED, hiện đã được thử nghiệm tại một vài tuyến ở thành phố. Một vài nơi đăng quảng cáo trên vé, và khi một số tuyến sử dụng thẻ thông minh, các nhà quảng cáo cũng vào cuộc. Nhưng có lẽ phần thân xe được chú ý hơn cả.
Tại Hà Nội, giá để quảng cáo trên thân xe buýt dao động 37-45 triệu đồng, chưa thuế VAT. Theo một chuyên gia từ Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, con số này thực tế cao hơn với những chiếc xe mới, nhiều chỗ ngồi, chạy tuyến đông khách, giá có thể cao hơn 60 triệu đồng/năm. Theo một chuyên gia không muốn nêu tên, quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM nếu được cho phép còn cao hơn nhiều, khoảng 70-80 triệu, thậm chí lên tới 100 triệu đồng/xe/ năm.
Tạm lấy con số 50 triệu đồng/xe/năm thì với khoảng 3.000 chiếc xe buýt ở TP.HCM, doanh thu mỗi năm đã lên tới 150 tỉ đồng. Kế hoạch phát triển xe buýt đến năm 2015 sẽ là khoảng 3.100 chiếc, và giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư thêm 3.581 xe, trong đó có 2.161 xe được đầu tư mới. Doanh thu khi đó sẽ còn nhiều hơn nữa.
Một tài nguyên khác không thể không nhắc tới là hệ thống các nhà chờ và trạm dừng xe buýt trên khắp các tuyến. Số liệu của ngành quảng cáo cho thấy hiện tại trên toàn TP.HCM có gần 4.700 nhà chờ và trạm dừng. Hơn 400 nhà chờ ở nội và ngoại thành gần như đã kết đặc quảng cáo, nhất là khu vực nội ô và những trục đường lớn. Giá quảng cáo tại các trạm chờ này không rẻ, trung bình 150-500 triệu đồng/năm tùy vị trí.
Hệ thống này được các công ty quảng cáo chăm sóc khá tốt nên bộ mặt trông rất khang trang. Hệ thống trạm thông tin xe buýt cũng được giới doanh nghiệp quảng cáo đầu tư, theo một nguồn tin giá của những tấm bảng này cũng hơn 100 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là các trạm thông tin này không nằm sát ngay nhà chờ hay trạm dừng mà ở một khoảng cách đủ xa.
Ai sẽ quảng cáo trên xe buýt?
Khách hàng sẽ vẫn là những nhãn hàng đã sử dụng quảng cáo ngoài trời từ lâu nay, từ các hàng tiêu dùng nhanh, nước giải khát, điện tử, bán lẻ... Một chuyên gia phân tích khi một nhãn hàng muốn tiếp cận khách hàng của một khu vực nhất định thì họ sẽ “đánh” quảng cáo lặp đi lặp lại để được nhận biết nhiều.
Một hãng bia Nhật Bản chẳng hạn, sẽ xuất hiện trên năm tấm panô lớn trên tuyến Bến Thành - Củ Chi. Giá trung bình cho mỗi quảng cáo này là 40.000 USD thì tổng cộng một năm đã 200.000 USD, tức hơn 4 tỉ đồng. Hãng này còn “đánh” mạnh trên các tuyến đường khác đến quận 6, quận 7, đường ra xa lộ Hà Nội, vì thế tổng cộng có khoảng 15 tấm panô quảng cáo lớn, mà ở những vị trí đẹp giá lên tới 50.000 USD.
Nếu được quảng cáo trên thân xe buýt, nhiều công ty sẽ chọn vì giá rẻ hơn khoảng 1/10, trong khi chở thông điệp đến được nhiều nơi hơn. Các nhãn hàng tiêu dùng nhanh sẽ sử dụng xe buýt quảng cáo để len lỏi nhiều hơn vào các khu dân cư.
Dĩ nhiên, những doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo sẽ không bỏ qua cơ hội này. Quảng cáo trên xe buýt, trạm dừng, nhà chờ hay trạm thông tin đều nằm trong diện quảng cáo ngoài trời. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 80% người Việt Nam thường xuyên ra đường, vì thế tiếp cận với quảng cáo ngoài trời chỉ thua mỗi truyền hình. Trên một thị trường doanh thu quảng cáo hơn 1,6 tỉ USD năm 2013, quảng cáo ngoài trời chiếm chừng 5-10%.
Năm ngoái, Công ty quảng cáo Đất Việt đã phối hợp với Nielsen Việt Nam thực hiện một cuộc khảo sát về các biển quảng cáo ngoài trời. Kết quả cho thấy trong 17.135 biển quảng cáo ngoài trời tại bốn thành phố lớn thì Hà Nội dẫn đầu với 5.586 biển. TP.HCM xếp thứ hai với 5.317 bảng quảng cáo, tập trung nhiều nhất ở khu vực quận 1 với 1.303 bảng, sau đó là quận 3 và Tân Bình.
Thách thức đối với hoạt động quảng cáo này có chăng là ở chỗ phần lớn xe buýt tại TP.HCM đã cũ, vệ sinh kém, dịch vụ tồi, thái độ nhân viên thiếu thiện cảm... “Nếu nghĩ rằng quảng cáo trên xe buýt sẽ thu được một số tiền lớn thì hãy nghĩ thêm rằng nếu làm một cách chuyên nghiệp sẽ thu được nhiều tiền hơn nữa” - ông Đỗ Kim Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nói.
Theo Trần Phi Tuấn
http://tuoitre.vn