Ngày đăng: 12/04/2013 | Lượt xem: 2601
Nhiều cơ quan báo chí bị lỗ
Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% xuống còn 10% cho thu nhập từ hoạt động báo in từ 1.1.2014. Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà quản lý và đại diện cơ quan báo chí đều cho rằng, cần thực thi sớm việc này vào 1.7.2013.
Phát hành báo in ngày càng khó khăn - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhiều cơ quan báo chí bị lỗ
Trước đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, ngoại trừ các đài truyền hình lớn có lợi nhuận, còn lại hầu hết báo in trong năm 2011 tính cả hoạt động phát hành và quảng cáo đều bị lỗ.
Theo báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế do Bộ Công thương thực hiện năm 2012, thị trường quảng cáo tại Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Nếu như năm 2008, tổng doanh thu của thị trường quảng cáo mới đạt 9.057 tỉ đồng, thì đến năm 2011 đã đạt 17.206 tỉ đồng. Ước tính năm 2015, tổng doanh thu quảng cáo sẽ đạt trên 24.000 tỉ đồng. Nghịch lý là dù thị trường quảng cáo tăng trưởng 20-30%/năm, nhưng doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo in lại tăng trưởng rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 2.332 tỉ đồng, chỉ tăng 13% so với năm 2008. Thậm chí, nếu trừ đi tốc độ lạm phát trong 5 năm vừa qua là 63% thì doanh thu quảng cáo trên báo in giảm khoảng 25%. Thị phần này càng nhỏ hơn nếu tính trên 780 cơ quan báo in với hơn 1.000 ấn phẩm. Đáng nói là tỷ lệ thị phần khiêm tốn 13% khó có thể nâng lên trước sự cạnh tranh quyết liệt của truyền hình (chiếm 81% thị phần), báo điện tử (chiếm 5% thị phần) nếu không có cơ chế đặc thù về thuế đối với báo in.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư đánh giá, thực tế, với mức thuế suất 10% nếu được áp dụng, ngân sách cũng sẽ giảm thu không nhiều, bởi doanh thu của báo in từ quảng cáo là rất thấp. Nhưng số tiền này lại đủ lớn để hỗ trợ các cơ quan báo in nâng cao chất lượng ấn phẩm, cải thiện đời sống cho người làm báo, tăng sức cạnh tranh trong thu hút quảng cáo với internet và truyền hình.
Giảm thuế ngay từ 1.7.2013
|
|
"
|
Khi gánh nặng kinh tế được giảm bớt thì việc thực thi nhiệm vụ chính trị của mỗi tờ báo, cũng như chất lượng sản phẩm báo chí sẽ được nâng lên để phục vụ tốt hơn cho độc giả nói riêng"
|
|
|
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư
|
|
|
Cũng theo TS Doanh, không thể nhìn báo chí thuần túy là một doanh nghiệp bình thường để áp thuế, bởi hoạt động báo chí vì mục tiêu cao cả hơn là thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội được giao, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua nhiều tòa báo, cơ quan báo đã phải chịu mức thuế suất 25% là quá vô lý. Chính mức thuế cao này khiến nhiều tờ báo gặp khó khăn trong hoạt động, thậm chí thua lỗ, đời sống cán bộ, công nhân, phóng viên bấp bênh. Vì vậy, TS Doanh đề xuất, không chỉ áp dụng ưu đãi thuế suất 10% mà cần phải thực hiện sớm hơn, đưa báo chí, xuất bản vào diện được giảm thuế từ ngày 1.7.2013 tương tự các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Khi gánh nặng kinh tế được giảm bớt thì việc thực thi nhiệm vụ chính trị của mỗi tờ báo, cũng như chất lượng sản phẩm báo chí sẽ được nâng lên để phục vụ tốt hơn cho độc giả nói riêng”, TS Doanh khuyến nghị.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú, Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cho biết mức thuế suất ưu đãi 10% như đề xuất của Bộ Tài chính cũng đáp ứng được phần nào nguyện vọng của các cơ quan thông tấn báo chí. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn dồn nén hiện nay, TS Tú đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp đặc biệt hơn, nhanh chóng hơn. Trong đó cần thực thi sớm lộ trình giảm thuế vào ngày 1.7.2013 cho các cơ quan báo chí, bên cạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cũng chia sẻ, bản thân ông thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, không những phải giảm thuế sớm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn phải tập trung hơn nữa sự hỗ trợ cho các đối tượng đang phải thực thi nhiệm vụ nhà nước giao trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xuất bản báo chí. Thực tế, trong suốt những năm qua việc vừa phải đóng thuế cao lên tới 25%, trong khi vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, khiến nhiều tờ báo gặp khó khăn. Ngoại trừ các báo được ngân sách nhà nước chu cấp, phần lớn số còn lại phải tự lực cánh sinh, xoay xở tồn tại để phục vụ nhu cầu thiết yếu, cấp bách của người dân, xã hội. Vì vậy, TS Kiêm đề xuất, cần phải xem báo chí là đối tượng đặc thù cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, sớm giảm thuế trước lộ trình vào 1.7.2013 để hỗ trợ tờ báo làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao phó.
Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền Tổng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị: Nguồn thu hạn chế
Tôi cho rằng, giảm thuế TNDN cho báo in càng sớm càng tốt. Mức thuế 25% là quá lớn, vượt sức chịu đựng của chúng tôi. Báo chí là sản phẩm văn hóa tinh thần, khác với sản xuất. Báo chí đồng thời còn là phương tiện tuyên truyền thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện chức năng cầu nối giữa người dân và nhà nước... Cho nên không thể đánh đồng với các DN sản xuất và cần được hưởng các ưu đãi bằng những chính sách cụ thể, trong đó có miễn giảm thuế.
Một phần báo in trong nước hiện nay sống được bằng nguồn thu quảng cáo, chứ không phải từ bán báo. Giống như nhiều báo in khác, Báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng đang gặp khó khăn khi những năm gần đây vấn đề kinh doanh của DN đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, nguồn thu từ quảng cáo của tờ báo cũng hạn chế. Không ít tờ báo phải tạm ngưng xuất bản, hoặc điều chỉnh số kỳ phát hành. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào mọi thứ đều tăng, kể cả chi phí quản lý, nội dung... Đầu năm nay, nhà in cũng đã điều chỉnh giá in. Giấy mà báo chúng tôi sử dụng để in phải nhập khẩu của Pháp. Trước đây trả bằng USD, nhưng sau này buộc phải trả bằng tiền đồng có lãi suất cao hơn, cho nên chúng tôi đã rất căng thẳng. Đáng lý một khi chi phí đầu vào tăng, chúng tôi phải bán báo với giá cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn phải giữ giá và bấm bụng bù lỗ hơn phân nửa giá thành. Vì thế, điều chỉnh thuế suất Thuế TNDN xuống 10% hoặc hơn ngay từ ngày 1.7 năm nay là hợp lý cho báo in.
Ông Phạm Phú Tâm, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM: Giảm thuế cho báo in càng nhanh càng tốt
Hiện nay, báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là khó khăn hơn các DN kinh doanh khác. Vì thế, chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét giảm thuế TNDN xuống thấp hơn mức đang được áp dụng hiện nay càng nhanh càng tốt. Theo đề xuất trong dự luật, mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 25% sẽ được giảm xuống 10% cho các cơ quan báo in vào ngày 1.1.2014. Tuy nhiên, theo tôi, nên giảm xuống ngay trong năm nay. Cụ thể là vào ngày 1.7.2013, cùng thời điểm với giảm thuế cho DN bất động sản, nhà ở xã hội.
Thực ra, nếu áp dụng giảm thuế TNDN cho các cơ quan báo chí, nhà nước không mất bao nhiêu ngân sách. Hiện tại, phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động dưới sự bao cấp; những tờ báo còn lại làm ăn có lãi để đóng thuế thật sự không nhiều. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn của những năm gần đây, các tờ báo này đang rất chật vật. Thu nhập của người dân bị chi phối nhiều do giá cả tăng cao, nên việc mua báo cũng hạn chế vì báo không phải là hàng hóa thiết yếu. Số lượng phát hành từ đó có ảnh hưởng. Hơn nữa, DN làm ăn khó khăn, nên chi phí quảng cáo cũng sụt giảm. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải đảm bảo việc chăm sóc đời sống cho hàng trăm cán bộ nhân viên, phóng viên.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Lợi nhiều hơn thiệt
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc giảm thuế TNDN sớm hơn cho báo chí trong nước, không nhất thiết phải đợi đến năm sau. Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội chịu nhiều sức ép về việc giảm ngân sách nếu giảm thuế cho DN. Tuy nhiên, ngành báo chí nói chung, báo in nói riêng, theo tôi, không phải là ngành có tổng lượng thuế quá lớn để nếu được giảm mức thuế sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Báo chí trong nước không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, mà còn cung cấp nhiều thông tin cho DN, người dân. Những vấn đề được báo chí nêu ra hay phân tích cặn kẽ còn giúp xã hội có nhiều thông tin thực tế và cần thiết, kể cả thông tin ở nước ngoài. Vì vậy, việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt hơn. Như thế, nhà nước có lợi hơn là thiệt một ít về ngân sách.
N.T.T
|
Anh Vũ
Nguồn báo Thanh Niên
Tags: