Ngày đăng: 22/03/2012 | Lượt xem: 5246
Nghề PR (Public Relations) - quan hệ công chúng - có nhiều sức hút với các bạn trẻ, đặc biệt những bạn gái xinh đẹp, giỏi giang. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được những vất vả của nghề này.
Học viên thảo luận trong giờ học PR tại Viện nghiên cứu và đào tạo Quảng cáo VN - ẢNH: arti
Có người cho rằng thích làm PR vì đó là một công việc năng động. Người lại cho rằng được tiếp xúc với nhiều người khác và được ăn mặc đẹp… Với nhiều bậc phụ huynh, nghề này còn quá xa lạ. Một sinh viên đang học ngành này thành thật cho biết: “Ba mẹ em từng hỏi làm PR là làm gì, em giải thích hoài cũng không hiểu được. Ba mẹ em cứ chất vấn, sao học hành đàng hoàng mà ra làm PR?”.
Có thể nói rằng PR là một nghề cần sử dụng nhuần nhuyễn tất cả các bộ phận chính trên cơ thể con người:
Một cái đầu đủ lực để suy nghĩ sáng tạo, để giải quyết vấn đề, đủ nhanh để không chỉ tiếp nhận mà còn phải tự học hàng tá thể loại thông tin mỗi ngày; đủ nhạy để có thể quăng cái này ra, bỏ cái kia vào liền tù tì mà không bị hoảng.
Một đôi mắt để nhìn, cảm thấy chính xác chuyện gì đang xảy ra với khách hàng của mình. Để thấu hiểu và kịp thời phản ứng trước các biểu hiện của đối tác với những thứ đang được phơi bày trước mắt họ (bản kế hoạch, một bài báo, một buổi phỏng vấn, một cơn khủng hoảng…).
Một “đôi môi” không cần quá gợi cảm nhưng trông có vẻ duyên dáng, mềm mại để phát ngôn “có thể nghe được” và đôi khi căng lên để làm chủ tình huống, để dám đưa ra quan điểm của người làm tư vấn.
Một làn da cần độ dày nhất định để tăng cường sức chịu đựng, trước nhiều câu hỏi, yêu cầu trên trời dưới đất và nhiều cú va chạm khá mạnh trên chặng đường dài quan hệ công chúng.
Một đôi tay nhanh và khỏe để còn gửi e-mail vèo vèo mà không mắc những sai lầm ngớ ngẩn gây nên thảm họa muôn đời. Nên nhớ, một trong những sai phạm tai hại nhất của người làm truyền thông là đưa ra một thông điệp không chính xác và sai đối tượng.
Một đôi chân dẻo dai để chịu được sức nặng của cơ thể khi phải đứng quá lâu trong những sự kiện. Mặc dù vậy, vẫn luôn thể hiện một phong thái không biết mỏi mệt và sẵn sàng cho mọi nhu cầu cần trợ giúp của khách hàng.
Cuối cùng, nên là một trái tim nhiệt huyết, tạo nên tình cảm giữa người với người. Trái tim là nguồn gốc, mà đã là nguồn gốc thì ít vương vào sự giả dối, cứ nói thật với nhau thì dù có là điều tệ nhất, cũng trở nên có ích.
Nguồn : Báo Thanh Niên
Nguyễn Trương Thiên Lý
Tags: