Ngày đăng: 22/03/2012 | Lượt xem: 3040
(Dân trí) - Đây là thông tin khảo sát về “Những Ưu tiên trong chi tiêu” do MasterCard đưa ra vào ngày 23/11 đối với người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho vấn đề ăn uống và giải trí, bất chấp những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó khoảng 80% người được khảo sát tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD) muốn dành tương đương hoặc nhiều thời gian hơn cho ăn uống và các hoạt động giải trí trong vòng 6 tháng tới.
Các điểm vui chơi luôn đông khách
Ăn uống, giải trí được ưu tiên
Cuộc khảo sát gần đây nhất được thực hiện từ ngày 15/3 đến ngày 27/04/2011 với 10.374 người tiêu dùng từ 14 quốc gia. Việc thu thập dữ liệu được tiến hành thông qua các cuộc khảo sát trên internet, phỏng vấn cá nhân, qua điện thoại và các cuộc phỏng vấn qua điện thoại có sự trợ giúp của máy tính. Các bảng câu hỏi được dịch ra ngôn ngữ bản địa khi cần thiết.
Theo đó, các nhà hàng thức ăn nhanh/phục vụ nhanh (71%), các nhà hàng và quán cà phê tầm trung dành cho gia đình (68%), và những khu ẩm thực tập trung (66%) là những nơi ăn uống phổ biến nhất mà người tham gia khảo sát tại khu vực CA - TBD đã đến trong vòng 6 tháng qua.
Xét về mức độ thường xuyên, khu ẩm thực tập trung là địa điểm được ưa chuộng nhất khi những người tham gia khảo sát trả lời đã tới đây trung bình 6 lần một thángtrong vòng 6 tháng qua. Đứng đầu danh sách này là những người tiêu dùng tại Singapore (16 lần một tháng), Malaysia và Hồng Kông (9 lần 1 tháng), và Trung Quốc (8 lần 1 tháng).
Điểm đển thường xuyên tiếp theo là các nhà hàng thức ăn nhanh/phục vụ nhanh, dẫn đầulà những người tiêu dùng tại Hồng Kông (10 lần 1 tháng), và Trung Quốc (9 lần 1tháng). Đối với khoản tiền chi cho việc ăn uống bên ngoài mỗi tháng, quốc gia nơi người tiêu dùng chi tiêu rộng rãi nhất là Nhật Bản (213 USD/1 tháng), Singapore (212 USD) và Hồng Kông (195 USD).
Việc ăn uống được nhiều quan tâm (ảnh minh họa)
Trong khi đó, những người tiêu dùng tại Ấn Độ và Indonesia chỉ dành ra dưới 40USD/tháng cho việc ăn uống bên ngoài - điều này phải ánh mức thu nhập hàng tháng trung bình tương đối thấp so với các quốc gia được khảo sát khác.
Kết quả khảo sát dường như cũng cho thấy rằng xem phim là hoạt động được ưa thích nhất sau một bữa ăn ngon: rạp chiếu phim là địa điểm giải trí được viếng thăm hàng đầu trong vòng 6 tháng qua đối với 12 trong số 14 thị trường được khảo sát, dẫn đầu là Úc và Singapore (75%) và Hàn Quốc (74%).
Xếp vị trí thứ hai là các khu vui chơi giải trí và công viên, nơi người tiêu dùng Indonesia (65%)và Hông Kông (59%) đặc biệt yêu thích. Các quán karaoke dường như là địa điểm ưa chuộng đối với người tiêu dùng tại Trung Quốc (50%), Hồng Kông (43%) và Đài Loan (44%).
Xu hướng này cũng không mấy thay đổi trong vòng sáu tháng tới với rạp chiếu phim và các công viên giải trí tiếp tục dẫn đầu danh sách các điểm đến phổ biến nhất.
Đã bắt đầu chú ý đến sức khỏe
Tuy nhiên, điều thú vị là nhiều người được khảo sát trả lời rằng họ có dự định sẽ đến các Phòng tập thể dục và chăm sóc sức khỏe hơn trong 6 tháng tới, dẫn đầu là Thái Lan với 44 % người dự định so với 26% của 6 tháng trước; và Philippines (từ 20% lên 32%).
Ngoài ra, tại 9 trong số 14 quốc gia được khảo sát, người tiêu dùng muốn giảm số lần đến các quán rượu và hộp đêm, đặc biệt tại Hàn Quốc từ 46% giảm xuống còn 32%và Nhật Bản từ 46% xuống còn 40%.
Việc chăm sóc sức khỏe đã được quan tâm
So với các các hoạt động ăn uống và giải trí, các hoạt động giải trí mà người khảo sát trong khu vực làm khi rảnh rỗi rất đa dạng. Ẩm thực (nấu nướng hoặc uống rượu) đứng đầu danh sách lựa chọn của những người được khảo sát tại Úc (61%), Nhật Bản (67%), New Zeland (69%), Singapore (68%), Hàn Quốc (52%), Đài Loan (64%) và Việt Nam (50%).
Lướt web là hoạt động ưa thích của những người được khảo sát tại Trung Quốc (43%), Hồng Kông (70%), Philippines (73%) và Thái Lan (72%). 68% người Ấn Độ được khảo sát thích mua sắm và 35% người người Indonesia thích các hoạt động thể thao,trong khi 35% người Malaysia lại thích đọc sách.
Tại hầu hết các quốc gia, gần 50% người được khảo sát trả lời sẽ dành khoảng 10% thu nhập hàng tháng của mình cho các hoạt động lúc rảnh rỗi. Đáng chú ý, hơn 51% người được khảo sát từ Việt Nam, 48% từ Hồng Kông, 43% từ Trung Quốc sẽ dành từ 11-30% thu nhập hàng tháng cho các hoạt động lúc rảnh rỗi.
Hoài Lương
Nguồn báo Dân trí
Tags: