Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 3498
"Tôi có những năm tháng sinh viên học đại học tại Hà Nội (1986 - 1990), nên tôi thấu hiểu hết thảy những điều này. Vâng, học toán chưa bao giờ khô khan, cụ thể Câu lạc bộ thơ của Đại học Bách Khoa Hà Nội thời đó, rất tuyệt, rất nhiều cây bút thơ hay. Phó Viện trưởng ARTI Vietnam, anh Nguyễn tiến Dũng cũng là dân "bách khoa" và đang giảng dạy tại Bách Khoa cảm nhận đúng điều này. Tôi muốn chia sẻ với các em học viên tại ARTI Vietnam: Không có gì có thể làm các em trở thành "nhà quảng cáo tương lai" thứ thiệt - ngoài lòng say mê và yêu nghề !'
Viện trưởng - Đỗ Kim Dũng
Một người bạn học thời nhỏ của GS Ngô Bảo Châu đã gửi bài viết này, với nhiều kỷ niệm và tình tiết đáng nhớ lại và suy nghĩ. VietNamNet xin giới thiệu cùng bạn đọc nhân dịp anh được tặng thương Huy chương Fields.
Tôi đọc "Thi nhân Việt Nam" từ nhỏ, đọc đến những lời cuối thì giật mình. Hoài Thanh và Hoài Chân thật khiêm nhường khi gắn những lời bình của mình vào những tác phẩm lớn. Các ông không muốn mình là những người ăn theo những tên tuổi nổi tiếng. Bài học đó đã khắc ghi trong tôi ngay từ khi bước vào đời. Tôi viết bài này nhân dịp Ngô Bảo Châu được tặng thưởng Huy chương Fields – một giải “Nobel” của Toán học, nhưng là để dâng tặng cho các thầy cô giáo và những người bạn thuở niên thiếu của mình.
Châu "Bò" từng trượt chuyên toán lớp 6
Tôi bắt đầu học cùng Ngô Bảo Châu từ năm 1984 trong lớp chuyên toán Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.
Tất cả chúng tôi chẳng ai gọi bạn ấy là Bảo Châu cả. Châu được gọi là Châu “Bò”. Điều này có lẽ xuất phát từ gia đình. Ông bà của Châu, bác Cẩn, cô Hiền, cậu Hòa đều gọi là Bò.
Những năm đó, sự học có lẽ là đang phát triển ở giai đoạn cực thịnh. Chúng tôi được học các lớp chuyên ngay từ cấp 1. Con trai mà “oách” là phải học chuyên Toán. Hà Nội ngày đó chỉ có 4 quận nên lớp cấp 2 cũng chỉ có 4 lớp chuyên toán, tương ứng với 4 quận.
|
Thời học chuyên Toán Trưng Vương. |
Lớp chuyên toán Trường Trưng Vương đại diện cho quận Hoàn Kiếm tương đối nổi tiếng. Lớp chuyên Toán ngày đó được dìu dắt bởi những nhà giáo xuất sắc, có tâm, có đức và rất giỏi về chuyên môn là các thầy Tôn Thân, thầy Bình và thầy Chiến.
Để vào được lớp, người ta tổ chức các cuộc thi toán hàng năm và lấy điểm từ cao xuống thấp rồi chọn ra khoảng 30 học sinh. Nếu tôi nhớ không nhầm, Châu “Bò” đã không đỗ vào lớp chuyên toán năm lớp 6.
Dạo đó, lớp tôi có những bạn học toán rất thông minh như Việt Anh, Duy Minh… Châu “Bò” gia nhập năm lớp 7. Bạn hòa nhập rất nhanh và ngay lập tức đã khẳng định vị trí số 1 của mình về học toán. Điều này làm chúng tôi tương đối bất ngờ: Một bạn học cấp 1 ở trường thực nghiệm, lớp 6 học lớp “thường” bên cạnh mà sao dám cạnh tranh với học sinh chuyên toán “nhà nòi” như mình.
Trong toán học, mọi thứ thật rõ ràng, bạn chỉ có thể hoặc là “giải được” hoặc “không giải được” một bài toán mà thôi.
Chúng tôi học cùng nhau trên lớp. Môn toán do thầy Tôn Thân trực tiếp giảng dạy. Và còn cùng nhau “học thêm” môn toán, chủ yếu từ thầy Bình (trường Trưng Vương) và thầy Hậu (trường Chu Văn An).
Đích ngắn của chúng tôi lúc đó là đội tuyển thi toán toàn quốc của Thành phố Hà Nội. Thời điểm sau học kỳ 1 năm lớp 8, khoảng sau Tết Âm lịch, mỗi quận sẽ chọn 10 học sinh làm đội tuyển của quận và 4 đội tuyển sẽ thi cùng nhau để chọn ra 12 học sinh (10 chính thức và 2 dự bị) để làm đội tuyển Toán thành phố đi thi toán Toàn quốc.
Đội tuyển quận Hoàn Kiếm của chúng tôi năm đó thật xuất sắc. Các thầy cô đều kỳ vọng sẽ chiếm đa số trong đội tuyển toán thành phố. Nhưng chỉ có Châu và tôi được vào đội tuyển mà thôi. Châu “Bò” thì vô địch dạo đó rồi, còn tôi thì có lẽ cũng là do may mắn.
Châu “Bò” đoạt giải nhất cuộc thi toán toàn quốc.
Ngày 1/6/1986, chúng tôi tham gia lễ trao phần thưởng tại Hội trường Ba Đình. Tôi vẫn nhớ như in, bác Phạm Văn Đồng, mặc dù mắt đã kém vẫn lên tuyên dương các cháu học sinh và trao phần thưởng cho khoảng 20 đại diện học sinh thủ đô.
Túi quà thật đơn sơ. Chỉ vài quyển vở, vài cái bút gói trang trọng trong một túi nilon cỡ trung bình (bây giờ mà mua chắc khoảng 30-40.000 đồng) có thể làm cho bạn nổi tiếng trong cả một khối nhà của khu tập thể Giảng Võ hay Nam Đồng thời bấy giờ.
Thuở niên thiếu của chúng tôi gắn liền với thi cử. Thi để cọ sát, thi để học tập kinh nghiệm, thi để khẳng định mình….và đương nhiên thi để giành giải.
Chuyện thời chuyên Toán A0
Các thành viên của các đội tuyển các tỉnh, thành phố (miền Bắc và miền Trung) sau đó được phép tham gia thi vào lớp chuyên toán Trường ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm Hà Nội, mỗi lớp khoảng 20 người.
Sự khác biệt, ngoài chuyện học hành, còn cả về chính sách nhà nước. Các bạn tôi, kể cả ở trường “Am” tiêu chuẩn tem phiếu là ND (nhân dân, tức là được 10kg gạo, 1 lạng thịt, 1 lạng đường… 1 tháng.
Còn chúng tôi khi đó đã được coi là SV, tiêu chuẩn tem phiếu hạng E, được 15kg gạo, 0,5 kg thịt, 0,5 kg đường trong 1 tháng… Ôi! Những niềm tự hào nho nhỏ! Thật không thể so sánh được với xe SH hay xế hộp mà các cha mẹ thời nay “đãi ngộ” cho con cái khi chúng đỗ vào lớp cấp 3…
Học là con đường duy nhất của chúng tôi ngày ấy. Mục tiêu của chúng tôi khi ấy cao hơn 1 chút, đó là tham dự đội tuyển Toán Việt Nam đi thi toán quốc tế hoặc chí ít cũng là đỗ đại học điểm cao để đi học nước ngoài.
Chúng tôi học như “điên dại”. Phần thì ngoài việc bản thân đã là “thợ học”, chúng tôi cũng chẳng có game, chẳng có vũ trường, chẳng có internet… như bây giờ.
Tôi còn nhớ thầy Nguyễn Văn Mậu, trước khi đi làm tiến sĩ ở Ba Lan có dạy cho chúng tôi 4 buổi về lượng giác, mỗi buổi 2 tiếng trong mùa hè năm 1986, sau khi đã có kết quả đỗ vào lớp chuyên toán ĐH tổng hợp Hà Nội. Bốn buổi thôi, nhưng là toàn bộ chương trình lượng giác của học sinh THPT trong năm lớp 12.
|
Lớp phổ thông A0 |
Học hết lớp 8, chưa vào cấp 3, Châu “Bò” làm bài thi toán đại học năm đó đã được khoảng 8 điểm. Trường ĐH Tổng hợp năm đó đánh ký hiệu cho khoa Toán là chữ A, tức là năm thứ nhất là A1,… năm thứ 5 là A5. Người ta tự hào khi học toán, tự hào khi mình là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái. Lớp chúng tôi gọi là A0, lớp 10 là A010,…lớp 12 là A012.
Lớp có 21 bạn từ các vùng miền khác nhau của đất nước. Bạn Thương đến từ Hà Tây, bạn Kiên, Hà đến từ Hải Dương, bạn Hài, Hưng đến từ Thái Bình, bạn Thắng đến từ Thanh Hóa, bạn Minh đến từ Bắc Giang…
Học sinh Hà Nội có 5 người là Châu “Bò”, Hà Huy Minh (vẫn gọi là Minh “Khoái” vì bố là GS.TS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học), Nguyễn Thái Dương (Dương “xỉ”), Nguyễn Thanh Hoa và tôi. Trừ Hoa là con gái, còn 4 thằng chúng tôi thì dính vào nhau như hình với bóng. Lớp học nằm ở một nửa khối nhà 5 tầng đặt tại ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội. Tầng 1,2 dùng làm ký túc xá cho các bạn học sinh ở tỉnh xa, tầng 3 là phòng thí nghiệm, phòng của các thầy cô giáo…còn học sinh chúng tôi học ở tầng 4, 5…
Những kỷ niệm ăn cơm cặp lồng
Một ngày, chúng tôi học 2 buổi sáng và chiều, buổi trưa nghỉ ăn cơm khoảng 2 tiếng. Những ngày đầu tiên ăn cơm tại bếp ăn tập thể của trường ĐH Tổng hợp quả là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Sau khi đưa phiếu ăn, bạn sẽ nhận được cái khay cơm 3 ngăn. Ngăn lớn nhất là một ít cơm màu không trắng, ngăn nhỏ nhất là khoảng 10 hột lạc rang có những chấm trắng li ti của muối bám xung quanh. Ngăn còn lại là nước canh, thường là canh cải với khoảng vài sợi xanh xanh cắt ngắn khoảng nửa cm. Có những thời gian, chúng tôi không thể ăn nổi, chỉ dám hớt một chút cơm phía trên vì bên trong khay còn nguyên mỡ, tóc…
Giám đốc nhà ăn khi đó, được giới thiệu trong buổi tựu trường, là một tiến sĩ về hóa học, được chuyển sang đảm nhiệm việc chế biến thức ăn cho sinh viên… Ở chính giữa nhà ăn là một cái nồi nhôm to, bên trong chứa một thứ dung dịch màu cánh gián. Đó được gọi là nước mắm, để ai nếu thấy cần có thể ra lấy ăn thêm.
|
Từ phải qua trái: Minh "khoai", Dương "xỉ", Hoàng Anh, Châu "bò". |
Bốn đứa con trai Hà Nội chúng tôi quyết định mang cặp lồng cơm cha mẹ chuẩn bị để ăn buổi trưa ở trường. Khẩu phần thường là một cặp lồng cơm to, lèn chặt (khoảng 7,8 bát ăn cơm) 1 quả trứng vịt rán hoặc là ốp lếp và 1 quả cà chua sống ăn thay rau. Chỉ cần ăn như thế thôi, chúng tôi đã được các bạn nội trú gọi là “tư sản”.
Không ở trong ký túc xá đồng nghĩa với việc phải đi học hằng ngày bằng xe đạp. Trung bình, chúng tôi đi 10km đi và 10km về, đi về hướng Hà Đông (nay là đường Nguyễn Trãi). Những ai đã từng đi qua khu Cao Xà Lá ngày đó chắc hẳn không thể nào quên cái mùi đặc trưng của 3 nhà máy ấy trộn lẫn vào nhau.
Chúng tôi đạp xe rất nhanh và điệu nghệ. Châu “Bò” đi xe đạp mipha (xe của Đông Đức cũ). Huy Minh đi xe của Nga, còn tôi và Dương “xỉ” đi xe đạp trong nước. Chúng tôi có thể đạp xe bỏ hai tay từ Ngã Tư Sở đến khu Mễ Trì, vừa đi vừa luồn lách trong dòng xe đạp đông đúc thời bấy giờ.
Nói thêm về chuyện đi học bằng xe đạp, trong lớp tôi có một bạn là Nguyễn Quang Thương, nhà gần khu vực chùa Trăm gian, Hà Tây, tức là cách trường khoảng 25km. Bạn vẫn đạp xe sáng, chiều đi học. Nhưng có nhiều hôm buổi trưa, bạn còn đạp xe về, chiều lại đạp đến lớp. Một ngày, đạp xe 100km đi học, thử hỏi có học sinh nào ngày nay dũng cảm và kiên trì như thế không?
Ăn uống kham khổ, đi lại vất vả nhưng bù lại, chúng tôi được dạy dỗ bởi những thầy cô giáo tuyệt vời. Phần lớn giáo viên đều là giảng viên của ĐH tổng hợp xuống trực tiếp giảng dạy.
Không chỉ riêng môn toán (thầy Hùng môn đại số, thầy Sơn môn Hình học, thầy Điền trưởng khối chuyên toán) mà các thầy cô giáo khác như thầy Việt (môn Địa), thầy Giang (môn Hóa), thầy Vinh (môn Văn lớp 10), cô Hoa (môn Văn lớp 11,12)…đều là những chuẩn mực về sự tận tậm, lòng nhiệt tình, kiến thức uyên thâm truyền dạy cho chúng tôi những bài học thật sâu sắc và bổ ích trong những năm dưới mái trường.
Tôi muốn nhắc tới câu chuyện của thầy Thiệp, dạy môn đại số véc tơ năm lớp 10. Đó là môn học không khó nhưng khá khô khan. Thầy nhiệt tình đến độ, sau khi xong tiết học buổi sáng, thầy yêu cầu lớp trưởng cho xem thời khóa biểu trong tuần trống tiết nào buổi chiều là thầy yêu cầu lên lớp để thầy dạy thêm mà không lấy một xu thù lao nào.
Kỷ niệm ngày 20/11 năm lớp 11, chúng tôi gặp thầy ở văn phòng khối, trông thầy khác lắm. Và đó cũng là lần cuối gặp người thầy giáo tận tâm đến mức không tưởng đó. Thầy ra đi vì là người học và dạy toán, nghĩ đơn thuần là người ta thi nghiên cứu sinh chỉ thi có môn chuyên ngành mà thôi. Thầy đâu có biết rằng để đỗ được nghiên cứu sinh, người ta còn phải thi nhiều môn “xã hội” khác nữa.
Tết Âm lịch năm 1988, Châu “Bò”, Huy Minh và tôi có đến thăm gia đình thầy. Tiếp chúng tôi là người vợ trẻ, một đứa con trai khoảng 4 - 5 tuổi trong một căn phòng rộng 1.5m, dài 5m nguyên là hành lang của một căn biệt thự Pháp cổ. Căn nhà tuềnh toàng, chẳng có gì ngoài sách. Chúng tôi chia sẻ với gia đình thầy những mất mát quá lớn vừa qua. Trước khi chia tay, vợ thầy có nói với chúng tôi một điều là: Cô sẽ không bao giờ cho đứa con của thầy cô đi học….toán nữa.
Người ta cứ nghĩ dân học toán là học kém các môn xã hội khác, như văn chẳng hạn. Điều đó hoàn toàn nhầm. Trong lớp chuyên toán ngày ấy có ít nhất 3 người chẳng sợ môn văn mà còn học giỏi văn là khác. Trong đó có Đào Trung Kiên, Châu “Bò” và có cả tôi nữa. Bài kiểm tra môn văn của chúng tôi thông thường là 8, thậm chí có cả điểm 9 và sẽ khá buồn nếu được 7.
Châu “Bò” làm một bài văn thường mang phong cách của dân học toán, lập luận khúc chiết, chặt chẽ. Kiên “cốp” thì dung dị, chắc chắn còn tôi thì bay bổng, lãng mạn có phần lan man và tự do. Sau này khi lớn lên tôi mới hiểu ra được “Văn chính là Người”. Tính cách của bạn sẽ phản ánh qua cách viết.
Giải trí của chúng tôi ngày đó là chơi bóng đá, chơi cờ vua. Học sinh Hà Nội thì đương nhiên không chơi bóng đá khỏe như các bạn nội trú.
Châu “Bò” chơi được nhưng không khỏe lắm. Dương “xỉ” nhỏ con nhưng chơi rất khéo. Tôi và Huy Minh chơi kém, to xác nên chỉ được làm hậu vệ và thủ môn mà thôi.
Châu “Bò” chơi cờ vua khá tốt, chắc là đứng thứ 2 ở lớp sau 1 bạn tên là Hà người Hải Dương. Âu cũng một phần Hà chơi nhiều hơn, cọ xát nhiều hơn. Nhưng Châu “Bò” có thể chơi được cờ mù, tức là chơi cờ mà không cần nhìn bàn cờ, chỉ dùng trí nhớ mà thôi. Phong cách chơi cờ của Fisher đã thể hiện trong con người của bạn tôi từ năm lớp 11 như thế đó.
"Vô địch toán từ phổ thông"
Nói đến học toán thì Châu “Bò” đã là vô địch từ những năm phổ thông. Cách học thông thường của chúng tôi là thầy giáo giao 1 bài toán và chúng tôi “châu đầu” vào giải. Giải được thì tốt, không giải được thì thầy lại hướng dẫn, gợi ý cho đến khi giải được thì thôi. Bài toán kết thúc khi chúng tôi giải xong.
Bạn tôi thì khác hẳn. Châu “Bò” thường giải xong 1 bài toán và tự đề xuất 1 bài toán khác, lớn hơn và bao quát hơn. Điều này khiến chính các thầy giáo giảng dạy cũng phải ngỡ ngàng. Cách Châu “Bò” học toán đã bỏ xa chúng tôi 1 bậc. Ngay từ năm lớp 10, thầy Nguyễn Minh Đức dạy môn giải tích đã nói với các phụ huynh:Trong vòng 20 năm nay, mới có 2 học sinh thông minh đến thế, đó là Nguyễn Tiến Dũng (hơn chúng tôi 3 tuổi) và Ngô Bảo Châu.
Kỳ thi toán quốc tế năm 1988 diễn ra ở Úc và năm 1989 diễn ra ở CHLB Đức, Châu “Bò” đã mang lại 2 HCV. Cùng năm với chúng tôi, còn có Đinh Tiến Cường, huy chương vàng năm 1989, học chuyên Toán ĐH Sư phạm Hà Nội hiện là GS Toán tại ĐH Paris 6, Pháp, cũng là một trường hợp rất đặc biệt.
Nhà Cường rất nghèo, bố chỉ là người sửa xe đạp rất bình thường. Cường là một minh chứng rõ ràng nhất là: Chỉ trong học tập nói riêng và trong khoa học nói chung người ta mới có sự bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo. Trong lớp học mà một đứa trẻ được bố mẹ đưa đi đón về bằng ô tô chưa chắc đã học giỏi hơn đứa trẻ đi bộ đến trường.
Cứ mỗi tháng 8 hàng năm, khi báo đưa tin về những thủ khoa xuất thân từ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình nghèo, tôi lại thấy ầng ậc nước mắt. Nhiều người trong xã hội hiện nay không hiểu chúng tôi là vì thế.
Kết thúc năm học 1989, số phận lại một lần nữa đặt 2 chúng tôi vào cùng một lớp học…ngoại ngữ. Châu “Bò” không xin được vào học toán ở MGU (ĐH Tổng hợp Lomonoxop Matxcova) nên muốn học toán ở Hungary. Còn tôi đi học “Điện tử Bách khoa” ở Hungary. Lúc đó, chúng tôi có hiểu gì đâu, chỉ biết đơn thuần là Hungary là nước “sướng” nhất trong khối XHCN lúc bấy giờ. Nhất là Hung, nhì mới đến Đức, Tiệp, Ba Lan… Trong lớp tiếng Hung có cả Đoàn Hồng Nghĩa, huy chương đồng toán quốc tế 1989.
Học gần nửa năm, tháng 12/1989 những diễn biến chính trị diễn ra dồn dập ở châu Âu. Thể chế thay đổi ở Đức, Tiệp, Ba Lan…làm lưu học sinh chúng tôi hết sức lo lắng. Đó cũng là năm cuối cùng các nước XHCN nhận lưu học sinh Việt Nam, trừ 2 nước là Tiệp và Hungary.
Điều may mắn đã đến với Châu “Bò” khi nhận được học bổng tại Pháp. Nếu không mất một năm học ngoại ngữ tại trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội thì điều hiển nhiên là chúng ta sẽ được thấy các công trình khoa học của Ngô Bảo Châu sớm hơn 1 năm.
Tôi sẽ kết thúc cho phần kể về những năm học phổ thông của chúng tôi bằng những câu chuyện về tình cảm và giải trí của tuổi học trò. Đừng bao giờ nghĩ dân chuyên toán là khô khan và vụng về.
Thời đó, âm nhạc của chúng tôi là những bài nhạc “đỏ”. Nhạc nước ngoài thì có vài ba cái đĩa của những người ở Liên Xô, Đức mang về. Châu “Bò” là người đầu tiên mang nhạc Ý của “To to” Cutugno rồi The Beatle đến cho nhóm tôi nghe. Bạn là người biết cân bằng giữa học tập và giải trí, vừa nghe nhạc vừa học toán chứ không như những trò học "gạo" khác.
Châu "Bò" biết yêu từ lớp 12
|
Tác giả và Ngô Bảo Châu. |
Nói về tình yêu học trò thì Châu “Bò” không phải là “nhân vật” nổi tiếng. Ngoài một số bạn trong lớp đã biết đến những rung động đầu đời, tôi muốn nhắc đến bạn Huy Minh. Huy Minh trắng trẻo, hiền lành, khôi ngô như một đứa trẻ, cả ngay khi tôi gặp bạn cách đây vài ngày trong buổi họp lớp, khi bạn đã 38 tuổi.
Đầu năm học lớp 12, Huy Minh thích một cô gái hàng xóm, kém vài tuổi, học chuyên Sinh Trường Ams Hà Nội. Bạn tôi có viết một lá thư tỏ tình, đại ý là em hãy là hình vuông của anh, em hãy là hình tròn của anh…. Cô bé kia viết lại cho bạn tôi “Hình vuông thì mãi là hình vuông, hình tròn mãi mãi là hình tròn, em không thể…”
Nhưng chắc chắn là Châu “Bò” biết “yêu” từ năm lớp 12. Mà cũng chẳng phải ai xa lạ, người trong tim và sau này Châu “Bò” lấy làm vợ chính là bạn Bảo Thanh, cũng là bạn học của chúng tôi từ hồi học chuyên Toán Trưng Vương.
Thanh rất xinh, da trắng như trứng gà bóc. Hai người bạn đến với nhau từ khi nào tôi không rõ. Đến cả sau khi cưới, 2 bạn tôi vẫn xưng hô là “mày, tao”, dễ thương như hồi học cấp 2.
Tôi cũng đồ rằng, có lẽ, lúc đi luyện thi toán toàn quốc, thầy Tôn Thân có giao cho Bảo Thanh chép bài hộ Châu “Bò” những môn học cậu ấy vắng mặt, đã giúp hai người có những ấn tượng ban đầu về nhau và trải qua năm tháng, một câu chuyện tình yêu kết thúc có hậu đã xảy ra. Châu “Bò” và Bảo Thanh làm đám cưới năm cả 2 người mới 22 tuổi, nay gia đình hạnh phúc đó đã có 3 cô con gái xinh xắn.
Tôi cũng không biết nhiều về thời gian Châu “Bò” học và làm Tiến sỹ ở Pháp. Chỉ biết, đó là một quãng đời rất khó khăn. Bạn còn trẻ lại lập gia đình và có con sớm, học bổng không nhiều lại sống ở một thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Châu “Bò” phải ở nhờ trong nhà của vị giáo sư người Pháp. Năm 2004, sau khi được giải thưởng của Viện Clay, Hoa Kỳ cùng 50% số tiền thưởng đi kèm với giải, Châu “Bò” mới có đủ tiền để mua nhà riêng và cuộc sống cũng bớt phần khó khăn.
**************
Thời gian này báo chí, truyền hình cũng đưa tin về Châu “Bò” rất nhiều. Rồi quan chức thăm hỏi, mời Châu “Bò” làm công tác quản lý, đề xuất chế độ đãi ngộ, tặng biệt thự…làm tôi bật cười. Châu “Bò” là một người đa tài, có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau. Việc Châu “Bò” dành thời gian cho giảng dạy cho các khóa đào tạo Toán tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hàng năm chứng tỏ một trái tim luôn hướng về Tổ quốc.
Đã có rất nhiều học sinh đi thi toán quốc tế, nhiều tiến sỹ toán nay đã chuyển sang làm các công việc kinh doanh, các công tác quản lý. Đại đa số họ đều thành công, nhiều người đã là những doanh nhân hay những cán bộ cấp cao. Nhưng nhiều người trong số họ đã tâm sự rất thật với tôi là: Phép toán mà họ sử dụng chủ yếu bây giờ là cộng trừ nhân chia. Cộng và nhân thì làm còn đúng nhưng trừ và chia thì hay làm sai lắm!
Châu “Bò” muốn làm toán hay muốn làm cộng trừ nhân chia?
Viết trước một chuyến đi chơi xa.
Hà Nội, ngày 18/8/2010
Trích từ Vietnamnet
Tags: