Với một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng, họ có thể xem bất cứ chương trình gì mình thích...
Hơn ba năm trở lại đây, chị Nguyễn Thị Hà, 39 tuổi, công nhân viên làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), không xem truyền hình.
Chị chia sẻ: “Buổi tối tôi dành thời gian đi chơi với bạn bè, người thân. Còn phim, các chương trình trên truyền hình lúc nào rảnh tôi coi trên Internet. Một lý do nữa khiến tôi cảm thấy ngán khi xem truyền hình là quảng cáo đưa vào chương trình quá nhiều. Xem trên Internet nếu có quảng cáo, tôi chỉ cần bấm qua là xong”.
Còn bà Năm (Q.Tân Bình, TP.HCM) dù đã bước vào tuổi 70 nhưng thỉnh thoảng nhờ con cháu mở máy tính xách tay để xem phim Việt online. Bà cười: “Xem một lèo mấy tập luôn cho đã. Xem truyền hình cứ phải chờ từng tập. Sốt ruột!”. Đó cũng là xu hướng chung của khán giả hiện nay.
Xu thế tất yếu
Các kênh truyền hình đừng nhìn nhau, cạnh tranh nhau làm gì vì đối thủ tiềm tàng của chúng ta chính là online |
Ông TRẦN BÌNH MINH (tổng giám đốc VTV) |
Trong thời buổi công nghệ mới hiện nay, khi một chương trình nào “hot” vừa phát sóng trên truyền hình thì ngay lập tức trên YouTube, các website giải trí... đã ngập tràn video clip phát lại.
Các chương trình như Ơn giời cậu đây rồi luôn đạt đến con số 3-4 triệu lượt người xem/tập trên trang YouTube...
Một đơn vị sản xuất phim sitcom 5s online trên VTV đã tự hào tuyên bố các chương trình do họ sản xuất sau khi phát sóng truyền hình đã đạt gần 50 triệu lượt xem trên trang YouTube.
Rõ ràng khán giả đang dần dịch chuyển thói quen xem truyền hình truyền thống sang xem bằng thiết bị truyền thông mới. Ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần một cú nhấn chuột là có thể xem thỏa thích nhiều thứ.
Sự dịch chuyển này hứa hẹn sẽ còn bùng nổ hơn trong tương lai. Theo phân tích của nhật báo nổi tiếng The Wall Street Journal (Mỹ), VN là quốc gia đứng thứ hai trên toàn cầu (sau Colombia) về việc sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh (smartphone). Trong khoảng hai năm tới, sự tăng trưởng lượng sử dụng smartphone qua 2G/3G khoảng 30%/năm.
Theo khảo sát gần đây của Kantar Media VN, tổng kết năm 2013 và quý 3-2014 cho thấy số lượng người dân tiếp cận với thông tin, giải trí qua Internet, các phương tiện đa màn hình (multi screening) như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh đã chiếm từ 50% đến trên 90% hằng ngày.
Những con số trên tuy chỉ là khảo sát và thống kê lấy mẫu số chung từ một đơn vị chuyên đo lường tỉ suất khán giả nhưng cũng đã chỉ ra một xu thế tất yếu của thế giới chứ không riêng gì VN.
|
Anh Hồ Mạnh Hùng - nhân viên giao nhận hàng của một cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.1, TP.HCM) - cho biết công việc không cho phép anh xem các chương trình trên sóng truyền hình nên với những chương trình yêu thích, anh tìm coi lại trên Internet - Ảnh: Thuận Thắng |
Online - mối lo lớn nhất của truyền hình
Nếu để đo tính hiệu quả đầu tư chi phí quảng cáo thì online đang tỏ rõ ưu thế khi tiếp cận khán giả trong thời đại kỷ nguyên “đa màn hình”.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành truyền thông cho biết trước đây khi lập kế hoạch quảng cáo cho khách hàng thì thường tỉ lệ chia ngân sách là 80-90% cho truyền hình, 5% cho báo chí, 5% cho radio.
Hiện nay, tỉ trọng này đã có sự dịch chuyển với xu thế lên ngôi của online, ngân sách sẽ dành ra ít nhất 10-20% cho online, bao gồm quảng cáo banner, quảng cáo từ khóa, quảng cáo trên Facebook, diễn đàn... hay tạo ra các cuộc thi trên mạng xã hội để thu hút khách hàng vào bình luận, nhấn “like”, chia sẻ... Như vậy, tivi truyền thống sẽ “đụng” một đối thủ rất nặng ký dù không nổi đình nổi đám bằng truyền hình.
Theo công bố cuối năm 2014 từ Kantar Media, việc đo lường tỉ suất khán giả (rating) giải trí truyền hình bằng các phương tiện “di động” như điện thoại, máy tính bảng, laptop sẽ được công ty đưa vào theo lộ trình từ năm 2015 để làm cơ sở đánh giá hiệu quả chi phí quảng cáo.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mới được nhiều người ví von như một cơn lốc khiến các đài truyền hình hiện nay không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải biết “giữ mình” để không bị cơn lốc ấy cuốn đi. Bà Phương Thủy - chủ tịch Công ty Dream
Field Studio - cho biết: “Trong dòng dịch chuyển này, các đài truyền hình dĩ nhiên sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt về doanh thu quảng cáo bởi sẽ có một lượng quảng cáo lớn đổ vào các trang mạng truyền thông mới. Bên cạnh đó, giá quảng cáo trên trang web và mobile ads (quảng cáo trên mobile) hiện nay khá rẻ, trong khi quảng cáo trên truyền hình lại đắt, khách hàng quảng cáo dĩ nhiên chọn cách thức quảng cáo có lợi đối với họ”.
Một thực tế là dù số lượng các format truyền hình mới du nhập về VN ngày càng nhiều và đa dạng, kéo theo bảng giá quảng cáo một số khung giờ vàng trên các kênh truyền hình lớn như VTV3, HTV7... tăng mạnh (như Ơn giời cậu đây rồi phát sóng trên VTV3 lên đến 350 triệu đồng/lần 30 giây) nhưng doanh thu của truyền hình vẫn không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ vì xu hướng chuyển dịch sang quảng cáo online, với lợi thế giá rẻ và tiếp cận đúng đối tượng mua hàng.
Trong hội nghị khách hàng cuối năm 2014 do Đài truyền hình VN tổ chức, ông Trần Bình Minh - tổng giám đốc VTV - phát biểu: “Các kênh truyền hình đừng nhìn nhau, cạnh tranh nhau làm gì vì đối thủ tiềm tàng của chúng ta chính là online. Các hình thức quảng cáo đa dạng trên online mới chính là mối lo lớn nhất của những người làm truyền hình”.
|
Nguồn: Kantar Media VN |
Doanh thu quảng cáo từ truyền hình chiếm trên 90%
Theo một dữ liệu thống kê và khảo sát gần đây từ Kantar Media VN, trong 12 tháng qua có 26% dân số thành thị và 15% dân số nông thôn từ 15-54 tuổi xem nội dung tivi qua các thiết bị không phải là tivi.
Khoảng cách này đang thu hẹp dần, bởi tỉ lệ người dân ở nông thôn (chiếm 68% dân số) sử dụng điện thoại di động đang tiến gần hơn với người thành thị (nông thôn: 87%, thành thị: 93%).
Cũng theo Kantar Media VN, doanh thu toàn ngành quảng cáo tại VN (tính gộp tất cả các loại hình quảng cáo: truyền hình, báo chí, radio, bảng biển...) tăng trưởng đều hằng năm trên 30%. Dự kiến năm 2014 có thể đạt trên 33.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ quảng cáo truyền hình luôn chiếm tỉ trọng trên 90% doanh thu toàn ngành.
Theo A.THƯ
Báo Tuổi trẻ Online
|