Ngày đăng: 28/09/2015 | Lượt xem: 6951
Những nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa chính thức được Bộ TT&TT công bố sáng nay, 25/9/2015, tại Hà Nội.
Sáng 25/9, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chủ trì điều hành Hội nghị Phổ biến nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí).
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã công bố về quan điểm, mục tiêu và định hướng Quy hoạch báo chí, những thông tin đang được cộng đồng “trông ngóng”.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn công bố nội dung Quy hoạch báo chí đến năm 2025. Ảnh: B.M |
Trong đó, đáng chú ý nhất là những định hướng Quy hoạch.
Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in
Định hướng quy hoạch đối với báo in và tạp chí in là sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm phụ).
Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan cấp Bộ, ngành cấp Trung ương (trừ các quân khu, quân chủng), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý.
Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.
Về phương án sắp xếp: Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và giữ nguyên số ấn phẩm hiện có. Mỗi Ban của Đảng có 1 cơ quan tạp chí in làm chức năng chỉ đạo, thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ.
Văn phòng Quốc hội có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.
Bộ, cơ quan ngang Bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Cơ quan thuộc Chính phủ có 1 cơ quan tạp chí in. Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Tổng cục thuộc Bộ có 1 cơ quan tạp chí in. Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có 1 cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo in.
Mỗi tổ chức chính trị - xã hội Trung ương có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo in trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.
Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội Trung ương có 1 cơ quan tạp chí in.
Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in.
Cơ quan Trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 1 cơ quan tạp chí in.
Lộ trình thực hiện là trước năm 2017 tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.
|
Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện cơ quan chủ quản báo chí ở Trung ương và địa phương. Ảnh: B.M |
Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính
Định hướng quy hoạch đối với phát thanh, truyền hình như sau:
Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm các chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng. Việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng.
Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.
Đối với truyền hình trả tiền, số lượng kênh truyền hình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.
Các kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (chủ quản Thông tấn xã Việt Nam), kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (chủ quản Đài Tiếng nói Việt Nam), kênh truyền hình Công an nhân dân (chủ quản Bộ Công an), kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (chủ quản Bộ Quốc phòng), kênh truyền hình Quốc hội (chủ quản Đài Tiếng nói Việt Nam), kênh truyền hình Nhân Dân (chủ quản Báo Nhân Dân) không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt.
Về phương án sắp xếp: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 đài phát thanh truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Bảo đảm chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% thời lượng phát sóng.
Riêng Đài Hà Nội và Đài TP.HCM có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, phạm vi thông tin, nên mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.
Các trung tâm truyền hình khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam chỉ thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, không phát sóng riêng kênh chương trình khu vực.
Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.
Nhà nước hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực
Định hướng quy hoạch đối với báo và tạp chí điện tử cũng đã được công bố cụ thể. Theo đó, định hướng sắp xếp hệ thống báo điện tử cơ bản tương tự như báo in.
Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo in thì được xuất bản báo điện tử. Các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in). Quản lý chặt chẽ phiên bản điện tử của tạp chí in để không hoạt động như báo điện tử.
Các cơ quan, tổ chức dưới cấp Bộ, ngành, tỉnh (là cấp không được có báo in) mà hiện có báo điện tử thì sắp xếp theo hướng chuyển cơ quan báo điện tử sang trực thuộc cấp Bộ, ngành, tỉnh.
Các tổ chức, xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử. Tạp chí điện tử chỉ được thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.
Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản cho phù hợp với quy hoạch.
Về cơ bản, các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).
Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.
Về lộ trình thực hiện, các cơ quan nào vừa có báo in và báo điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in. Các cơ quan báo chí có báo điện tử sắp xếp trước năm 2017.
Bình Minh
Theo infonet.vn
Tags: