Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5978
Bớt thời gian, giao công việc của Công ty TNHH quảng cáo An Tiêm cho các cộng sự, gần hai năm nay ông Chủ tịch Đỗ Kim Dũng dồn cả tâm và lực cho việc ra đời và hoạt động của Viện nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam(ARTI Việt Nam) thuộc Hiệp hội quảng cáo Việt Nam. Nhận chức viện trưởng với bao nhiêu việc mới bắt đầu, ông tự nhắc mình khó khăn lắm, vất vả lắm nhưng không quyết tâm làm thì sẽ mãi không có một nơi đào tạo bài bản cho ngành quảng cáo Việt Nam.
Vừa qua, phóng viên báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có dịp trò chuyện, trao đổi với ông.
* Đã có không ít trường đại học cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế mở cửa các trương trình đào tạo về quảng cáo, xây dựng thương hiệu, truyền thông tại Việt Nam(VN), Hiệp hội Quảng cáo VN nghĩ đến việc này dường như khá muộn? Ông nghĩ sao mà lại đứng ra đảm đương hoạt động của Viện?
Có một thực trạng, sinh viên làm luận văn tốt nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo, xây dựng thương hiệu cũng nghiên cứu thị trường, định ra quảng cáo cho nhãn hàng rất tốt trên giấy, thầy cô chấm điểm 9-10, nhưng khi ra trường các em không làm được. Nhân lực ngành quảng cáo luôn thiếu vì học lý thuyết giỏi, nhưng đụng thực tiễn không thích nghi. Muốn làm công việc quan hệ công chúng (PR) càng khó hơn vì chưa có trường đào tạo chính quy. Khi hướng dẫn nhân viên về nhận diện sản phẩm, nhận định thị trường, phân tích chiến dịch quảng cáo, sau đó cho họ tác nghiệp, tôi nhận thấy nhiều người không biết phân bổ công việc thế nào, họ thiếu hẳn những kĩ năng cần thiết.ARTI Việt Nam ra đời với mong mỏi đào tạo những chuyên viên trong lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện, PR, xây dựng thương hiệu. Học viện quảng cáo Singapore đã kí thỏa thuận giúp ARTI Việt Nam giáo trình và gửi giảng viên sang đào tạo nhân lực chuyên ngành.
* Ông đã phản ánh tính thiếu thích nghi thực tiễn, vậy ông làm thế nào để gắn thực tiễn với việc đào tạo?
Kiến thức sẽ trôi hết nếu không tiếp xúc thực tế. Ngay khóa học đầu tiên chúng tôi đã đưa học viên đề tài từ các doanh nghiệp
(DN). Chúng tôi đã nhận được sự hợp tác tích cực của các doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát, Giấy Sài Gòn, Mai Thanh…DN đóng vai trò là người đặt hàng cho học viên thực hiện những dự án tung sản phẩm mới, truyền thông thương hiệu, họ cùng chúng tôi đánh giá thực tiễn mà học viên thu nhận được. Đối tượng học 80% đang đi làm, 20% là sinh viên năm cuối. Trong những học viên đang đi làm thì 70% là do DN cử đi học, chỉ có 30-40% tự bỏ tiền. Điều này cho thấy tôi thấy việc tôi làm đã bắt đúng nhu cầu.
* Mặc dù các công ty trong nước đã có bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông, nhưng ý nghĩ các công ty quảng cáo nước ngoài hay hơn, đáng được lựa chọn hơn vẫn chiếm đa số. Với đội ngũ giảng viên là doanh nhân từ các công ty quảng cáo VN, nhiều lắm là có sự hỗ trợ giáo trình từ Singapore, như vậy cũng chưa là lực hút cho học viên vì người ta vẫn muốn tìm kiếm những kỹ năng của nước ngoài hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
Nếu quan sát kĩ, có thể thấy các công ty quảng cáo nước ngoài đang hoạt động tại VN hầu như làm việc với những khách hàng quen thuộc từ công ty mẹ của họ ở nước ngoài và theo quy trình đã lập sẵn. Các công ty quảng cáo VN khó lấy khách hàng từ công ty nước ngoài thật, nhưng các công ty quảng cáo VN ngày càng mạnh hơn thì sẽ phục vụ cho các DN VN ngày càng tốt hơn. Trong thời kì khó khăn, thậm chí DN nước ngoài cũng muốn tìm đến công ty quảng cáo VN. Chẳng hạn, một DN nước ngoài sản xuất miếng mút rửa chén,đã đặt một công ty nước ngoài sáng tạo quảng cáo, chương trình rất hoàn hảo nhưng lên lại không bán được hàng. Họ đến gặp tôi, sau khi nghe tôi phân tích ,họ mới vỡ lẽ rằng nhà sáng tạo kia không hiểu bà nội trợ VN rửa chén thế nào. Lúc đó tôi mới sáng tạo ý tưởng cho họ. Tôi nghĩ các công ty quảng cáo VN hoàn toàn có cơ hội, nhưng vấn đề là mình đủ nhân lực giỏi hay không.
Quảng cáo của các DN VN chưa hay, truyền thông chưa tốt đều là do thiếu người đủ trình độ tư duy, sáng tạo. DN sản xuất, kinh doanh nếu không thuê công ty công ty quảng cáo thì nên có nguồn nhân lực tại chỗ đã qua đào tạo, còn nếu đặt hàng cung phải hiểu biết để hợp tác hiệu quả. DN không định vị được khách hàng mục tiêu ma còn đi nhờ công ty quảng cáo năng lực kém thì càng nguy hiểm. Vì vậy, khi sáng lập Arti Việt Nam, mục tiêu của chúng tôi là nâng cao khả năng sáng tạo trong 4 lĩnh vực nói trên cho chính DN. Họ có thể sử dụng chính nhân viên tại công ty. Đến lúc nào đó chúng ta tự hào nói rằng các công ty quảng cáo Việt Nam. Các chủ DN nên biết một người tốt nghiệp marketing hoàn toàn có thể học thêm về nhãn hiệu. Một người làm công tác hành chính tốt có thể học thêm về tổ chức sự kiện để có thể tổ chức những hội nghị, sự kiện cho DN với chi phí thấp nhất. Một người văn hay chữ tốt có thể học làm PR, ngay cả PR nội bộ cũng rất quan trọng. Nhiều DN hỏi chỉ có 50 triệu để làm thương hiệu nổi tiếng được không? Tôi nói vẫn có cách làm. Chốt lại mục tiêu của tôi là đào tạo kĩ năng, đào tạo những người có thể sáng tạo cho DN của họ, nếu có thuê mướn thì họ cũng để sử dụng đúng công ty quảng cáo. Một người muốn thành công trong nghề còn phụ thuộc vào tố chất, hiểu việc. Có giám đốc hỏi : Bây giờ khó khăn quá! có thể làm PR hay quảng cáo được không? Tôi bảo chuyện đó khác nhau, mỗi công cụ có tác dụng khác nhau. Muốn giải đáp, chủ DN phải có kiến thức.
* Ông nói về năng lực của các công ty quảng cáo VN nghe rất đáng mừng, nhưng chính nhiều công ty quảng cáo VN cũng chưa làm gì cho người ta thấy tin tưởng. ARTI Việt Nam liệu có thuyết phục học viên?
Khó khăn hiện nay của các công ty quảng cáo VN là nguồn nhân lực bị cạnh tranh bởi các chế độ lương bổng của các công ty nước ngoài khá cao. Theo tôi, số người nghi ngại khả năng đào tạo của ARTI không nhiều, vì thực tế chưa có nhiều mô hình đào tạo chuyên nghiệp về các lĩnh vực mà chúng tôi đưa ra cho học viên. Không có sẵn đường đi nhưng chúng ta vẫn đi, có đi rồi mới ra con đường mòn, từ đấy mới đến xa lộ. Lúc đầu chúng tôi cũng lúng túng: thầy đâu, trường đâu, giáo trình đâu, nhưng phải mò mẫm cho được. Đến khi tôi mở mắt ra, rất mừng là có những người nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này từ trong và ngoài nước đều muốn hỗ trợ giảng dạy, truyền kinh nghiệm. Những gì tích lũy của những người đi trước giúp cho người học tiếp thu nhanh hơn chúng tôi trước đây. Vì vậy tôi thấy Viện mở ra là đúng kỳ vọng của mọi người. Xu hướng xây dựng thương hiệu ngày càng tăng, thị trường còn rộng lớn và việc đào tạo là cần thiết.
* Như ông nhận xét, các ngành này có khi không phải thích là học được vì nó phụ thuộc vào tố chất của từng người, vậy học viên đến đây, ông làm thế nào để giúp họ nhận ra kỹ năng phù hợp với họ?
Rất dễ, hỏi qua họ đã có kiến thức gì, công việc họ đang làm là do tự lựa chọn hay hoàn cảnh đưa đẩy. Hỏi một người có thích đọc báo hay không thì biết được họ có theo đuổi nghề PR được không. Hỏi một người trong lớp trong cơ quan có tham gia đoàn thể hay bày trò cho người ta chơi không thi biết họ có phù hợp làm quảng cáo. Những người thành công trong quảng cáo hầu hết là những người hoạt động đoàn thể tốt, người thích nói chuyện, ứng phó nhanh thì có thể tổ chức sự kiện. Chuyên viên thương hiệu phải là những người thích nghiên cứu thị trường, có quan tâm đến cái tôi như viết blog, tham gia diễn đàn.
* Ông kiểm tra tố chất học viên như thế thì khi muốn cung cấp nhân lực cho các lĩnh vực này, nếu chủ DN không biết những tố chất này thì sao họ có thể tuyển dụng đúng người được?
Đúng là ông chủ DN có thể nhầm lẫn tuyển người giỏi làm quảng cáo rồi bảo họ phụ trách PR. Bởi thế bản thân các DN phải tự đào tạo mình, họ cũng nên học để biết cách tuyển dụng phù hợp. Tôi có thể mở những buổi nói chuyện chuyên đề để chủ DN nghe. Tôi mong các chủ DN ý thức chuyện này, nếu không họ sẽ tốn chi phí vô ích.
* Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực quảng cáo, xây dựng thương hiệu, ông có thể cho vài nhận xét về các DN VN làm tốt công việc quảng cáo, xây dựng thương hiệu, truyền thông?
Vinamilk, Tân Hiệp Phát là hai công ty đang thành công nhất. Tân Hiệp Phát đã dám bỏ ra 30 triệu USD đầu tư dây chuyền sản xuất thì họ cũng sẵn sàng bỏ ngần ấy tiền xây dựng hệ thống phân phối quảng cáo, PR. Khi chuẩn bị tung hàng mới ra thì hệ thống phân phối, quảng cáo của Tân Hiệp Phát đều đã sãn sàng, đi trước để có sản phẩm là người tiêu dùng biết đến và mua ngay. Chiến lược cho sản phẩm mới hoàn hảo thì hiệu ứng thị trường càng cao. Rất tiếc nhiều nhãn hàng tốt nhưng không được quản trị tốt nên hơi yếu về sau. Trung Nguyên không định vị đúng các dòng sản phẩm nên hình ảnh thương hiệu bị mờ nhạt. Đầu tư hàng ngang như Kinh Đô là không nên, nguy hiểm cho cấu trúc thương hiệu, một người ốm, cả nhà ốm theo. Vissan có thương hiệu tốt nhưng nếu coi Vissan là thương hiệu nguồn rồi có nhãn hiệu khác nhau cho các dòng sản phẩm thì hay hơn. Vinacafe duy trì thương hiệu hình ảnh tốt nhưng nếu chỉ sử dụng thương hiệu này cho cà phê hòa tan thì hình ảnh ít gần gũi vì thói quen uống cà phê pha phin của người Việt Nam, Vinacafe nen chú ý thêm dòng sản phẩm. Pepsico và Coca Cola luôn cạnh tranh nhau nhưng pepsico thích ứng địa phương nhanh hơn nên được người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn.
* Lo quá nhiều cho ARTI Việt Nam, ông còn thời gian đâu lo cho công ty riêng của mình?
Làm công việc của viện là việc phụ mà như việc chính. Công ty An Tiêm là nguồn nuôi tôi nhưng sau một thời gian lập nghiệp vững vàng rồi thì mình không thể chỉ nghĩ đến danh lợi mà phải nghĩ làm gì cho cộng đồng, để khi gác tay lên trán mỗi ngày thì không thấy tiếc. Tôi không nghĩ danh phận sang hèn gì hết, mà chỉ muốn dốc toàn tâm lực cho việc đào tạo nhân sự cho ngành quảng cáo VN. Tôi hy vọng con đường chúng tôi đang mở là đúng và ARTI VN sẽ phát triển,sau này có thể trở thành học viện đào tạo quảng cáo của Việt Nam.
Để đảm bảo chất lựơng đào tạo của ARTI Việt Nam, tôi không đồng ý cho học viên nghỉ quá 20% thời lượng học. Sanofi có 9 người đi học, họ yêu cầu phải điểm danh nhân viên của họ hàng ngày. Tôi nói với chị một tin vui là 40% học viên các khóa vừa rồi không được tốt nghiệp vì không tuân thủ nội quy và thời lượng học, tất cả các buổi học đều được ghi hình, học viên nghỉ thì đến nghe lại chứ không cho đĩa đem về. Học viên phản ứng rằng họ đóng tiền cơ mà, nhưng chúng tôi không dạy vì tiền mà muốn tạo ra những người có kỹ năng thật sự.
Việc kết nối với các DN giúp học viên thực tập tốt. Giáo viên dạy cũng được thông qua từng bài giảng, không được trùng nội dung, và cung cấp kiến thức ít nhưng mà đủ cho học viên, chứ không phải nói nhiều mà rốt cuộc vẫn không hiểu được bao nhiêu. Tôi mời doanh nhân đến như khách mời nói chuyện, yêu cầu họ nói bằng ví dụ cụ thể mà họ làm, kiến thức này bổ sung cho lý luận của giảng viên khác. Thành lập từ tháng 6/2007 nhưng đến tháng 9/2008 mới dạy khóa đầu tiên, việc chuẩn bị khá lâu, tôi nghĩ không thừa khi muốn có sản phẩm hoàn chỉnh.
Đến giờ ARTI Việt Nam đã hoạt động nhưng có người còn cảnh báo thất bại với tôi. Vì thế lúc nào tôi cũng tự bảo mình phải chuẩn bị tình huống xấu nhất, phải xác định khó khăn lắm, vất vả lắm, như vậy mình mới thấy thanh thản mà làm việc và làm việc.
* “Vạn sự khởi đầu nan”, đã đặt hết tâm huyết cho sự nghiệp chung của ngành quảng cáo VN, mong rằng ông và các thành viên Hiệp hội Quảng cáo VN sẽ làm cho ARTI Việt Nam thật sự trở thành nơi đào tạo thật sự đươc tín nhiệm.
(Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 35 bộ mới 25-31/3/2009)
Tags: