Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 2605
Số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy hiện nay ở nước ta có khoảng 5000 đơn vị làm quảng cáo (QC) và hàng trăm nghìn doanh nghiệp có nhu cầu lập bộ phận QC riêng. Tuy nhiên, do nhân lực khan hiếm, chúng ta vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài với mức lương khoảng 5.000 USD/tháng.
Hiện nay ở VN đã có nhiều loại hình đào tạo Quảng cáo, từ chính quy tới cấp chứng chỉ. Nếu thực sự say mê và học tập nghiêm túc, cơ hội việc làm cho nhân lực ngành Quảng cáo là rất lớn.
Theo ông Hà Văn Tăng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội QC VN, số lượng đơn vị làm QC hiện vẫn chưa thống nhất. Có con số tới 3000 đơn vị làm QC, có lúc đến 5000, nhiều nhất là 7000.
Ngoài các đơn vị làm QC, các doanh nghiệp sản xuất, công ty cũng cần quảng cáo. Theo ước tính, nước ta có khoảng 300.000 doanh nghiệp, ít nhất 50% có bộ phận làm QC. Ngoài ra, những người làm QC còn nằm trong 700 đơn vị làm báo, chưa kể còn có các doanh nghiệp tư nhân cũng cần làm QC. Dự kiến đến năm 2010 trên cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 người làm QC thì trong vài năm tới cũng cần tới 500.000 người. Hơn nữa, chỉ có khoảng 200 trong số 3000 doanh nghiệp là quảng cáo tốt, còn lại trình độ chưa đủ, cần phải được bồi dưỡng và đào tạo chuyên nghiệp.
Những người làm QC được đào luyện theo 3 cách: học ở nước ngoài, học ở trong nước và học bằng thực tế cuộc sống. Có người trong Hiệp hội QC học ở nước ngoài, làm thuê cho nước ngoài, giờ trở về VN trở thành tổng giám đốc, giám đốc và thuê người nước ngoài làm việc, trả lương đàng hoàng. Tuy vậy, con số này không nhiều.
Ông Hà Văn Tăng nhấn mạnh: “QC là sản phẩm trí tuệ, người làm QC phải học những kiến thức và kỹ năng riêng về ngành vì nghề QC là kỹ năng tổng hợp, sáng tạo, kết hợp cả kỹ thuật, khoa học và nghệ thuật”.
Ở nước ngoài có hệ thống, phương tiện, bề dày lịch sử làm QC hàng trăm năm trong khi VN mới “chập chững” làm QC hơn chục năm nay. Vì vậy, người làm QC thường học các phương thức QC qua các sách chuyên ngành ở nước ngoài. Tuy nhiên, áp dụng vào VN, người làm QC cần phải có kiến thức văn hóa ở ngôn ngữ và cuộc sống.
“Có những QC có thể dùng được ở nước ngoài còn VN thì không. Ngay ở VN cũng có sự khác nhau. Ngoài ra, người làm QC phải cân nhắc đưa hình ảnh. Ví dụ QC ngoài trời cổ động bằng hình ảnh và ngôn ngữ. Nó trực tiếp đập vào mắt người ta. Nhưng ở nước ngoài người ta lại có thể chấp nhận được.” – Ông Hà Văn Tăng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Ngũ Châu, nhân viên của 1 công ty QC truyền hình, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là các doanh nghiệp muốn làm QC lại chưa hiểu ý tưởng của người đưa ra QC. Đạo diễn QC cũng chưa có kinh nghiệm làm phim quảng cáo.
Trình độ xử lý hậu kỳ kém, thiết bị không đồng bộ, phải thuê của nước ngoài nhưng không kiểm soát được chất lượng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ hàng nghìn USD để làm QC. Do vậy, họ thường thuê nước ngoài làm, công ty QC ở VN chỉ giữ vai trò môi giới.
Hiện nay chúng ta phải thuê chuyên gia nước ngoài 5000 USD/tháng trong khi người Việt chỉ được trả vài triệu đồng. Môi trường chưa đồng bộ, vẫn có nhiều rào cản trong QC, đặc biệt là rào cản nhận thức về vai trò, vị trí làm QC chưa được sâu sắc, thậm chí còn thấp. Chính những người làm QC cũng làm xấu đi uy tín và bộ mặt của QC.
Đa dạng loại hình đào tạo Quảng cáo
Do trước kia chưa có trường đào tạo chính quy ngành QC nên nhân lực làm QC ở VN chủ yếu xuất phát từ khoa Marketing của các trường kinh tế, từ chuyên ngành mỹ thuật của trường mỹ thuật trong cả nước và đạo diễn ở trường Sân khấu điện ảnh.
Hiện nay, chỉ có một số trường dạy QC nhưng không chuyên sâu như khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Nắm bắt xu hướng phát triển hiện nay và đáp ứng nguồn nhân lực của xã hội, Hiệp hội QC đã ra đời Viện nghiên cứu – Đào tạo QC VN do Giám đốc Công ty Quảng cáo An Tiêm đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Ông Đỗ Kim Dũng làm Viện trưởng.
Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay, khoa Quan hệ công chúng – Quảng cáo của HV Báo chí và Tuyên truyền sẽ tuyển sinh 40 SV ngành Quảng cáo (thi khối D). Kiến thức đại cương 86 trình, còn lại là kiến thức chuyên môn.
TS. Đinh Thúy Hằng – Trưởng khoa Quan hệ công chúng – Quảng cáo, nhấn mạnh: "Giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn cho SV còn SV phải là người chủ động suy nghĩ, sáng tạo. Bên cạnh đó, một số môn học như Viết cho QC (copywriting) sẽ mời giảng viên bên ngoài và người đang làm việc tại các công ty QC. Nếu SV học nghiêm túc và chịu khó, ra trường sẽ làm việc được ngay."
Tags: