Ngày đăng: 18/01/2013 | Lượt xem: 3325
Tại TP HCM vừa tổ chức hội thảo Khuynh hướng của ngành công nghiệp quảng cáo (QC). Hội thảo do Viện QC Việt Nam, Hiệp hội QC TPHCM, báo Diễn đàn doanh nghiệp và Doanh nhân Sài gòn… bảo trợ thông tin.
Ông Đỗ Kim Dũng - Viện trưởng Viện QC Việt Nam đã nhận định: Xu hướng của ngành QC thời gian tới là QC mà như không QC.
Ông Đỗ Kim Dũng - Phó Viện trưởng Viện QC Việt Nam (thứ hai từ trái sang)
tại buổi hội thảo
Nhu cầu của ngành QC luôn rất lớn
Theo ông Dũng, do QC là quảng bá, giới thiệu, truyền đạt một thông điệp nhằm mục đích cụ thể của chủ thể thực hiện QC (ca ngợi, giới thiệu..một nội dung nào đó). Ngành QC tại VN có từ 100 năm trước trong nhiều lĩnh vực, dù không mạnh mẽ và chuyên nghiệp, dễ thấy như ngày nay. Ví dụ, âm nhạc cổ vũ lòng yêu nước, văn học nghệ thuật ca ngợi đất nước con người VN…Tại các thành phố lớn, từ thời Pháp thuộc đã xuất hiện không ít các pano, biển hiệu QC, giới thiệu nhiều thương hiệu sản phẩm, nhiều thương hiệu, khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, ngành QC của VN chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một ngành công nghiệp từ năm 1995, sau khi chính phủ ban hành nghị định cho phép các công ty QC ra đời.
Dù nhu cầu là rất lớn và luôn tồn tại, nhưng ngành QC có lúc mạnh lúc yếu tùy theo phát triển kinh tế. Năm 2012, tại VN, nhu cầu QC có sự suy giảm so với những năm trước do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu QC luôn tồn tại, dù có thể thay đổi về phương thức, phương tiện, cách QC….
Dự báo về ngành QC năm 2013, ông Dũng cho rằng: nguyên tắc số lượng QC tỷ lệ thuận với mức độ quan tâm, xem và đọc của người tiêu dùng đối với một phương tiện thông tin đại chúng nào đó (báo in, truyền hình, Internet, pano, điện thoại di động…). Do báo điện tử (Internet, điện thoại di động..) phát triển ngày càng mạnh nên các phương tiện này đang chiếm lượng QC ngày càng lớn, và sẽ tiếp tục phát triển mạnh. QC trên truyền hình dù vẫn rất tốt nhưng không tăng nhiều. Đang có sự suy giảm QC trên các phương tiện báo in.
Gần như đồng thuận với ông Dũng trong hầu hết các vấn đề, bà Trần Thị Thanh Mai- TGĐ Cty Kantar Media (TNS VN) cho rằng: năm 2012, mọi phương tiện thông tin đại chúng đều có QC, tuy nhiên số lượng tùy mức quan tâm của xã hội đối với phương tiện đó. Dự báo năm 2013, truyền hình tiếp tục chiếm số lượng QC nhiều nhất, sau đó là Internet, điện thoại di động….Các sản phẩm cao cấp, các DN lớn vẫn chọn QC trên báo in, tạp chí. Các sản phẩm, thương hiệu đáp ứng rộng rãi nhu cầu của quần chúng như hàng tiêu dùng, gia dụng, giải trí … chuộng QC trên truyền hình. Các phương tiện QC không mâu thuẫn nhau, mà bổ sung cho nhau.
QC mà như không QC
Ông Patric Tom- GĐ điều hành Sáng tạo tập đoàn Truyền thông TBWA
thuyết trình tại buổi hội thảo
Ông Đỗ Kim Dũng đã trình bày với hội thảo rất nhiều clip QC năm 2012, những QC mới nhất hiện nay…Từ đó, ông chứng minh rằng QC mà không QC là xu hướng của ngành QC. Chỉ những QC mang lại sự hứng thú, hấp dẫn, thú vị cho độc giả mới là những QC thành công, mang lại hiệu quả cho chủ thể. Để mang lại sự hứng thú cho người xem, các đoạn phim QC có thể dài. Thực tế tại VN, các QC thường là ngắn, nội dung đi thẳng vào quảng bá sản phẩm, thương hiệu, do vậy thường mang lại cảm giác khó chịu, thậm chí là ép độc giả phải xem đoạn QC đó. Do vậy, các đoạn QC trên truyền hình tại VN thường chen vào “ăn theo” những chương trình có nhiều độc giả xem như phim hay, ca nhạc, bóng đá…Bà Trần Thị Thanh Mai giải thích, do chi phí QC trên truyền hình tại VN rất cao, nên các DN phải dùng cách QC “khó chịu” nêu trên.
Ông Patric Tom- GĐ điều hành Sáng tạo tập đoàn Truyền thông TBWA cũng cho rằng: một QC hiệu quả phải dựa trên nguyên tắc vì độc giả, mang lại sự hấp dẫn, mới lạ, bổ ích, thú vị…. 5 tiêu chí của một đoạn QC gồm: 1/ Độc nhất vô nhị (Minique): cần làm cho QC của mình khác biệt trong “rừng” QC hiện nay. 2/ Chia sẻ (Shareable): đoạn QC đó được nhiều người quan tâm, chia sẻ, bình luận. 3/ Lặp đi lặp lại (Repeattable): do QC hay, hấp dẫn và do chủ ý của người thực hiện được xem đi xem lại nhiều lần. 4/Nhớ (Memorable): làm cho người xem phải nhớ. Những QC không hiệu quả là những QC có tính ngược lại các tiêu chí trên.
Có thể nói, nhu cầu được QC và xem, nghe QC luôn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên để QC thành công tùy thuộc vào 2 yếu tố là phương cách QC và phương tiện QC. Phương cách QC hiệu quả cần QC mà như không QC. Phương tiện QC phải là phương tiện mà chính bản thân nó được nhiều người đọc, người xem.
Khắc Dũng - DĐDN