Ngày đăng: 11/10/2012 | Lượt xem: 2568
Việc Coca Cola và Samsung rút quảng cáo khỏi Zing.vn sau khi biết trang web này cho tải các bài hát không có bản quyền là tiếng chuông cảnh tỉnh để thiết lập kỷ cương về sở hữu trí tuệ, và các thương hiệu lớn trong nước nên làm theo.
Ông Đỗ Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Quảng cáo Việt Nam (ARTI) nhận xét như vậy khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
TBKTSG Online: Coca-Cola và Samsung mới đây tuyên bố ngừng quảng cáo trên Zing.vn sau khi biết trang web này cho tải lậu các bài hát. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Ông Đỗ Kim Dũng: Theo tôi, việc này trước sau gì cũng phải đến và vấn đề là nó đến trong thời điểm nào thôi. Do đó, tôi thấy hành động của Coca-Cola và Samsung vào thời điểm này là tốt, thậm chí rất tốt.
Ở đây không chỉ đơn giản các mạng Internet sử dụng âm nhạc mà nhìn rộng hơn là chúng ta cần thiết lập việc này để xã hội tốt hơn về vấn đề sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa thật tốt, dù chúng ta đã ký nhiều hiệp định về sở hữu trí tuệ với quốc tế.
Hành động của hai hãng trên cũng coi như tiếng chuông cảnh tỉnh để thiết lập kỷ cương về sở hữu trí tuệ. Ở một đất nước coi trọng công nghiệp sáng tạo thì buộc phải trả chi phí cho sáng tạo, nếu không sẽ không khuyến khích sự sáng tạo.
Ngoài ra, sự việc trên lại xảy ra với ngành quảng cáo, vốn cũng là một ngành sáng tạo, nên điều thú vị ở đây là, ngành quảng cáo lại bắn phát súng đầu tiên cho vấn đề này. Nếu không có sáng tạo thì ngành quảng cáo không thể phát triển.
Tôi nghĩ, nhân việc này, cơ quan quản lý cũng nên vào cuộc để lập lại kỷ cương trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Với người tiêu dùng cũng đừng nghĩ xã hội còn nghèo mà chúng ta được quyền sử dụng miễn phí các sản phẩm sáng tạo. Ở nước ngoài, người dân phải trả 0,9 đô la Mỹ cho một lần tải nhạc thì ở Việt Nam có thể là 1.000 đồng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải trả tiền để tôn trọng quyền tác giả và khuyến khích sự sáng tạo của các tác giả.
Bản thân Coca-Cola và Samsung là hai thương hiệu lớn trên thế giới, nên họ chịu sức ép lớn về hình ảnh cũng như các quy định chặt chẽ về bản quyền ở các nước phát triển, còn thương hiệu trong nước thì sức ép này không lớn bằng. Ông có nghĩ, sau hai thương hiệu này, các thương hiệu nội địa sẽ có hành động tương tự?
- Tôi cho rằng, những thương hiệu mang tính chất đại chúng như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Mobifone,… có thể cũng sẽ phải làm như vậy, nếu không cộng đồng người tiêu dùng thông minh, kể cả truyền thông sẽ phản ứng. Chúng ta không nên tiếp tay cho một hành động không minh bạch, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Nên nhớ rằng quảng cáo trên Internet chỉ là một trong hơn 40 loại phương tiện truyền thông, nên không quảng cáo trên kênh này họ quảng cáo trên kênh khác, do đó, các thương hiệu lớn người ta sẽ ủng hộ hành động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nếu là một thương hiệu thật sự lớn thì tôi nghĩ họ nên đi theo cái cách mà của Samsung và Coca-Cola vừa làm.
Tại sao đến bây giờ Coca-Cola và Samsung mới có hành động như thế đối với Zing.vn?
- Tôi cho rằng, bản thân Samsung mới đây cũng khá vất vả và chịu sức ép về sở hữu trí tuệ sau vụ kiện tụng với Apple ở thị trường ngoài nước. Do đó, nếu bây giờ Apple quyết liệt trong chuyện này tại thị trường Việt Nam thì Samsung cũng có thể tổn hại thương hiệu tại thị trường này vì tiếp tay cho quảng cáo trên những trang web vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Có thể, trước đây các hãng nước ngoài họ lơ là về vấn đề này tại thị trường Việt Nam, nhưng Samsung có thể đã dự cảm rằng họ không thể lơ là việc này được nữa vì đối thủ có thể nhân chuyện này để tạo ra các khủng khoảng về truyền thông và thương hiệu.
Cũng ở góc độ nào đó, hành động của Samsung và Coca-Cola cũng là cách thức nâng cao trách nhiệm cộng đồng với thương hiệu của họ vì là người tiên phong (trong việc ngưng quảng cáo với trang web có vi phạm bản quyền – pv). Đây là hành động tích cực, không chỉ về mặt pháp luật, mà cả về quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Vậy ông có nghĩ rằng, hành động của hai hãng trên sẽ tạo thành một làn sóng các thương hiệu tẩy chay những kênh quảng cáo liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ?
- Tôi nghĩ liệu việc này có tạo thành làn sóng hay không thì quả bóng thuộc về cơ quan quản lý, vì còn tuỳ thuộc cơ quan quản lý có quyết liệt trong chuyện này hay không, và Hiệp hội bảo vệ tác quyền có vào cuộc hay không. Nếu cơ quan nhà nước không quyết liệt thì cộng đồng người tiêu dùng cần phải quyết liệt. Tuy nhiên, bản thân người tiêu dùng là những cá thể riêng lẻ, do đó tôi nghĩ truyền thông chính thống cần phải đi đầu dẫn lối cho người tiêu dùng chân chính bày tỏ thái độ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Thứ Ba, 09/10/2012, 16:23 (GMT+7)
Theo Báo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bài và ảnh: Thu Nguyệt
Tags: