Ngày đăng: 09/12/2013 | Lượt xem: 9136
Tôi nhận không dưới vài chục câu hỏi của sinh viên và bạn trẻ: “ Ông nghĩ gì về cuốn sách: Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi ?”. Phải nói rằng, đây là một cuốn sách tốt của Al Ries và Laura Ries. Hai tác giả đã dám “khẳng định” điều này và lấy chúng làm tiêu đề cuốn sách. Cuốn sách gây chút “xáo trộn” nhận thức hoặc hồ nghi trong tôi trong vài năm qua.
Hôm nay tôi đọc bài báo của Robert Phillips – cựu giám đốc điều hành cơ quan PR quốc tế, giải thích vì sao việc thay đổi Quảng cáo sang PR chưa thể và (có thể) không bao giờ xảy ra. “Thương hiệu” PR đã thất bại trong việc hiện đại hóa mình…
75 năm qua, từ lúc Edward Bernays “nảy mầm” ngành công nghiệp PR hiện đại. Và tại Việt Nam trong vòng 5-7 năm nay, PR, CSR và lúc này Social Media đã tạo cơn sốt, nhưng nó chưa thật sự chiếm giữ “ngân sách” lớn trong một campaign (chiến dịch) của một nhãn hiệu lớn nào thật sự.
Tại sao?
Trước hết, đó là PR hiện đại chưa áp dụng được hệ thống thống nhất tiêu chuẩn đo lường thích hợp trên toàn cầu. Thứ 2, vai trò của PR như là một cuộc “trò chuyện” giữa Người tiêu dùng và thương hiệu. Đôi khi chúng ta nghi ngờ, hồ nghi về “giá trị cốt lõi” của quảng cáo, chúng ta muốn trò chuyện 2 chiều và mong đợi vào PR. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện nào dù có thú vị, hấp dẫn đến mấy cũng cần có “hành động tương xứng”. Vì vậy, quy trình IMC của quảng cáo từ hơn 100 năm nay, đã có đủ sức mạnh “đánh gục” người tiêu dùng. Còn PR, rò ràng chỉ giải quyết một phần của vấn đề, chứ không phải toàn vẹn…
Một số nhà báo bước vào PR, tiếp xúc và thuyết phục các nhà marketing cần chi tiêu nhiều hơn cho PR. Nhưng quả thật, hơn 20 năm làm việc trong ngành, tôi cảm thấy những lời hứa về nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi mua hàng của PR rất…”lỏng lẻo”. Đó là điều, chúng ta rất khó thuyết phục các nhà tiếp thị ký duyệt séc cho ngân quỹ dồi dào của một chiến dịch PR
Tôi cũng đồng ý với Robert Phillips, một ý tưởng lớn cho chiến dịch sáng tạo PR là chưa nhiều mà chủ yếu vẫn là chiến thuật. Ở VN, chiến dịch “Gấu Đỏ – Gắn kết yêu thương”, hay “ Một triệu cây xanh của Vinamilk”, hay “ Đèn đom đóm”…đã đạt được tính hiệu ứng, nhưng chắc chắn đây chưa phải là một campaign lớn. Dove với chiến dịch “ Vẻ đẹp thật sự” diễn ra trên toàn cầu và cả ở VN, liệu đây có phải là ý tưởng đầu tiên của PR?. Sẽ có nhiều nhà PR và quảng cáo tranh cãi điều này. Tuy nhiên, điều chắc chắn cần nói ra, các nhà PR cần phải suy nghĩ nghiêm túc về sự đo lường các chỉ số sau một chiến dịch truyền thông từ PR
Điều cuối cùng, tôi nghĩ thuộc về…nhân sự, con người. Ở VN, chúng ta còn quá ít bạn trẻ dấn thân một cách đầy đam mê về PR. Hiện tại, phần lớn các bạn trẻ từ báo chí (học về báo chí) bước chân vào ngành PR một cách…bình thản. Sẽ không ngoa khi nói rằng, sẽ có nhiều cái nhìn sai lệch về PR khi cho rằng, từ báo chí sang PR nhiều cơ hội và thuận lợi. Tôi tán đồng và biểu quyết quan điểm của Robert Phillips, các nhà PR cần suy nghĩ nghiêm túc về chỉ số đo lường về nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng hơn sự chăm chút cho các bài viết với nhiều từ ngữ bóng bẩy, tâng bốc thương hiệu hay corporate.
Bạn có phải là một Nhà PR chuyên nghiệp thực thụ?. Một nền văn hóa vùng miền phong phú và đa dạng trải dài hơn 2.000 km hình chữ S của Việt Nam, đòi hòi những nhà PR như bạn cần trang bị cho mình một lượng lớn kiến thức chuyên ngành để giúp cho ngành PR Việt Nam cất cánh ….!
Đỗ Kim Dũng
Viện trưởng
Viện Quảng cáo Việt Nam
Tags: