Để tìm được một đối tác PR hiệu quả, doanh nghiệp phải thật sự thông hiểu năng lực của công ty nhận làm PR bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây.
Làm thế nào đo lường thành công của một đợt quảng bá?
Số lượng “Like” trên trang Facebook hay mức độ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thường được các công ty PR dùng làm thước đo.
Vì vậy, nên dạm hỏi thêm “độc chiêu” có thể giúp doanh nghiệp bạn thực sự tăng trưởng, chẳng hạn số lượng khách hàng tiềm năng gửi email hoặc truy cập website của doanh nghiệp đã gia tăng được bao nhiêu từ khi tung ra chương trình PR.
Phương tiện truyền thông nào vươn được đến nhóm khách hàng tiềm năng?
Công ty PR cần phải biết chính xác đâu là tờ nhật báo hoặc website giúp doanh nghiệp đến với nhóm khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Công ty PR nào có kinh nghiệm trên cả hai lĩnh vực truyền thông truyền thống và truyền thông kỹ thuật số thường có lợi thế hơn.
Những chương trình PR nào đã được công ty thực hiện trong lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm?
Sẽ thuận lợi nếu tiếp cận được với công ty PR có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.Được như vậy, hãy đề nghị cho biết kết quả của một vài chương trình mà họ đã thực hiện cho các khách hàng. Ngoài ra, nên hỏi nhân viên nào đã từng trực tiếp thực hiện các công đoạn cụ thể để trao đổi thêm với người ấy.
Ai sẽ đảm trách trực tiếp tài khoản công ty tôi?
Khi các công ty PR tự giới thiệu, họ thường cử những nhân viên tài năng nhất trình bày.
Còn trên thực tế, những người được phân công làm các công việc cụ thể cho doanh nghiệp có thể có khả năng không bằng. Do đó, điều quan trọng là biết được ai sẽ là người trực tiếp làm công việc PR cho doanh nghiệp và nên dành nhiều thời gian trao đổi với người ấy trước khi quyết định giao dự án cho công ty PR đã tỏ ra “bén duyên”.
Các dịch vụ cụ thể tiêu tốn bao nhiêu tiền?
Các chuyên gia PR thường cung cấp cho khách hàng một gói dịch vụ dựa trên ngân sách do chính khách hàng cung cấp cho họ. Hãy yêu cầu một bản chiết tính các loại hình công việc cụ thể với mức phí rõ ràng, ví dụ thông cáo báo chí, video, tham luận báo chí và quảng bá truyền thông xã hội…
Nên hỏi xem công ty PR ấy có thực hiện cách thanh toán theo kết quả làm việc không (tức là thanh toán một mức phí thấp ban đầu và chi trả thêm phí hoa hồng dựa trên kết quả thực tế). Cách đó sẽ đảm bảo phía công ty PR cùng có chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.
Cho biết về kinh nghiệm truyền thông xã hội của công ty?
Đã là công ty PR thì phải thật chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Hãy tìm hiểu xem họ đã làm gì cho khách hàng của mình trên Facebook và Twitter, kết quả thu được ra sao?
Họ đã phát triển những cuộc thi hoặc khuyến mãi tương tác nào trên các trang cộng đồng?Nếu họ chỉ biết đến cách thức truyền thống thì kênh tiếp thị của bạn sẽ mất đi một số cơ hội kinh doanh.
Chúng tôi cần làm gì để quan hệ cộng tác đạt hiệu quả cao nhất?
Không nên đặt hết nhiệm vụ quảng bá cho công ty PR và kỳ vọng ở họ những kết quả tốt đẹp như trong mơ. Dù đã có sự hỗ trợ của họ, doanh nghiệp vẫn cần tham gia vào hoạt động PR của chính mình, dù đó là trên Twitter, Facebook, blog hay bất cứ cuộc trao đổi nào với báo giới.
Sau khi nghe đề xuất từ phía công ty PR, hãy xem xét cụ thể từng đề xuất và cam kết những điều có thể phối hợp thực hiện. Một khi đã cam kết thì nhất định phải giữ đúng lời hứa để tránh những tranh cãi không cần thiết về sau.