PR (Public Relation) là thuật ngữ du nhập vào Việt Nam trước tiên thông qua các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động PR đã rất phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế. Các hiệp hội PR ở Úc, Singapore, Mỹ... hoạt động rất bài bản và quy mô. Chuyên gia PR, ưa chuộng nhất là được đào tạo một cách chính quy thông qua chuyên ngành Mass Communication (truyền thông đại chúng) hoặc Communication and Art (truyền thông và nghệ thuật). Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất chú trọng việc xây dựng bộ phận PR riêng cho công ty của mình đặc biệt là các khách sạn quốc tế.
Tùy vào quy mô, phòng PR - Marketing có thể gộp chung hay tách riêng. Ngoài ra còn hình thức công ty PR độc lập bên ngoài. Nếu như hoạt động marketing chỉ nhằm mục đích là làm sao bán sản phẩm và dịch vụ để thu lợi nhuận về cho công ty thì hoạt động của PR, bản thân nó không mang lại lợi nhuận trước mắt cho doanh nghiệp nhưng nó lại hỗ trợ đắc lực cho hoạt động marketing. Có thể hiểu hoạt động của PR là thông qua toàn bộ các phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình...) để truyền thông tin một cách đầy đủ và đảm bảo thông tin từ “sự thật” nhằm mục đích tạo nên sự thông hiểu lẫn nhau giữa công ty và công chúng.
Ở các nước, hoạt động PR không phải chủ yếu chỉ dựa trên mối quan hệ trong báo giới và gói gọn hoạt động trong việc tổ chức các sự kiện như ở VN nói chung hiện nay. Hoạt động PR có thể đóng vai trò sống còn đối với các công ty hay tổ chức bằng nhiều cách khác nhau: Hoạt động PR nhằm xây dựng nhận thức của công chúng đối với hình tượng của công ty; khắc phục những nhận thức chưa đúng hay những thành kiến của công chúng bất lợi cho công ty. Phát triển sự hiểu biết về sản phẩm và dịch vụ của công ty trước công chúng; hoạt động để công chúng nhận thức được công ty một mặt kinh doanh, mặt khác không quên trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng...
Vụ khủng hoảng của Johnson & Johnson năm 1986, được đánh giá là một trong những hoạt động hiệu quả của PR trong lịch sử của ngành PR: Năm 1982 tại bang Chicago – Mỹ, bất thình lình có 7 người chết sau khi dùng thuốc giảm đau Tylenol (sản phẩm của công ty Johnson & Johnson). Tin tức lập tức lan rộng và gây ra sự hoang mang trong công chúng. Việc người tiêu dùng Mỹ tẩy chay Tylenol là đều không tránh khỏi. Đây là một đòn giáng rất mạnh vào công ty Johnson & Johnson bởi vì Tylenol là một trong những sản phẩm của công ty bán chạy nhất trong thị trường thuốc giảm đau. Trước tình hình trên, công ty Johnson & Johnson lập tức thiết lập ngay một chương trình PR nhằm cứu nguy hình tượng công ty cũng như công khai thông tin với công chúng về toàn bộ sự việc: Các chuyên gia PR đẩy nhanh việc điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thuốc Tylenol. Kết quả cho thấy từ 7 nạn nhân đã uống thuốc Tylenon, thuốc đó vượt quá nồng độ cho phép ở một số thành phần, đây là điều không thể xảy ra đối với dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại và khép kín của Johnson & Johnson lúc bấy giờ. Lãnh đạo công ty đã quyết định đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Công ty, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đã chủ động lên tiếng cảnh báo đối với người tiêu dùng khắp nước Mỹ không nên sử dụng Tylenol nhằm ngăn chặn không để xảy ra thêm tình trạng ngộ độc nào, đồng thời ngưng sản xuất và các hoạt động quảng cáo Tylenol, lập tức thu hồi Tylenol ở tất cả các điểm tiêu thụ với tổng trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Các chuyên gia PR của Johnson & Johnson đã chủ động hợp tác với các hãng phát thanh, truyền hình, báo chí, kể cả lực lượng cảnh sát Mỹ, FBI và cơ quan chức năng quản lý thuốc của Mỹ để tìm ra sự thật của việc ngộ độc thuốc. Mọi việc được tiến hành một cách công khai với tinh thần trách nhiệm cao. Sáu tuần lễ sau, PR của công ty Johnson & Johnson đã mạnh dạn thực hiện tiếp chiến dịch đưa Tylenol trở lại thị trường và đã thành công. Tylenol sau cuộc khủng hoảng đã chiếm 37% thị phần trong thị trường thuốc giảm đau ở Mỹ, trong khi trước khi khủng hoảng chỉ đạt 24%.