Ngày đăng: 25/02/2013 | Lượt xem: 4397
Fast Company đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với các nhà hoạch định chiến lược về những thay đổi có thể xảy ra trong năm 2013 về xu hướng tiêu dùng cũng như truyền thông. Những nhà chiến lược này có thể được coi như những người đại diện cho người tiêu dùng trong chiến dịch marketing – họ là những bậc thầy trong nghiên cứu thị trường, các chuyên gia truyền thông và văn hóa, chịu trách nhiệm đưa ra thông tin về nhận thức người tiêu dùng dành cho thương hiệu và các cơ hội mới. Bởi họ là những người hiểu người tiêu dùng nhất, những góc nhìn vĩ mô của họ sẽ mang đến cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh hơn về tương lai gần của ngành quảng cáo.
Theo anh/chị, những xu hướng tiêu dùng và truyền thông nào sẽ ảnh hưởng đến marketing năm 2013?
Lee Maicon, Phó chủ tịch nhận thức thương hiệu và chiến lược của 360i
Sáng tạo dựa trên số liệu: Sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 và sự đi lên của Nate Silver, có thể nói rằng chúng ta giờ đều đã trở thành những con nghiện số liệu – hay ít nhất là chúng ta cũng đang cố gắng ra vẻ như vậy. Các thông số quan trọng sẽ thống trị Marketing, cả bên làm tiếp thị lẫn bên bị tiếp thị. Tất cả các công ty hiện nay đều bắt đầu đào bới một lượng lớn thông tin, rồi sau đó dùng những thông tin này để lèo lái cái gọi là “sáng tạo dựa trên số liệu”, thứ sẽ tạo nên nhiều sự khác biệt. Các ngân hàng chỉ là một bộ phận đang thay đổi bằng cách cho phép người sử dụng theo dõi thông tin của chính chúng ta. Các nhãn hàng sản phẩm thể thao cũng đang bắt đầu thay đổi. Vậy ngành công nghiệp nào sẽ tiếp bước?
Công nghệ Collective Intelligence: Sự thông minh của máy móc sẽ tiếp túc thay đổi cách nghĩ của chúng ta, và dần dần, thậm chí còn có thể thay đổi cả ý thức hệ của con người. Chúng ta bị thống trị bởi thuật toán – dù đó là Google, Amazon hay Netflix. Chúng ta ra quyết định, tưởng rằng ta tự do làm vậy, nhưng thực ra lại đang bị ảnh hưởng bởi những đề xuất được cá nhân hóa mà ta nhận được – những quyết định mà ta sẽ chả bao giờ nghĩ đến nếu nó không được bày ra trước mắt. Hãy nhớ đến tất cả các clip YouTube mà bạn đã từng xem, những cuốn sách bạn từng mua hoặc những bộ phim bạn đã xem qua bởi những đề xuất này.
Jim Stengel, cố vấn Marketing và nhà giáo dục, tác giả, cựu giám đốc marketing của P&G
Năm nay sẽ là năm của những “sự từ bỏ”. Chúng ta sẽ bỏ "xã hội" khỏi "truyền thông xã hội" bởi tất cả truyền thông bây giờ là xã hội. Chúng ta sẽ bỏ "thiết bị điện tử" và "điện thoại" ra khỏi "marketing trên thiết bị điện tử và điện thoại", bởi tất cả những thứ mà chúng ta có thể dùng để quảng cáo là thiết bị điện tử và điện thoại. Chúng ta sẽ bỏ "quảng cáo" ra khỏi công ty quảng cáo, bởi vì trong tương lai họ sẽ giúp khách hàng phát hiện cơ hội một cách sáng tạo nhất. Chúng ta sẽ bỏ chữ "toàn cầu" ra khỏi "nhân viên marketing toàn cầu", bởi tất cả những người đứng đầu ngành này đều phải toàn cầu hóa suy nghĩ và định hướng của họ. Bạn đã hình dung được chưa: chúng ta đang tiến đến thời kì của hội nhập và sự đơn giản khi mà người tiêu dùng/khách hàng muốn sự liên kết, ảnh hưởng, niềm vui và sự giúp đỡ trong việc quản lý thương hiệu.
Năm nay cũng là năm của những chuẩn mực còn cao hơn trước. Tôi đã có một năm bận rộn giúp đỡ các công ty lớn và nhỏ - khoảng hơn 25 công ty – có thể đẩy cao chuẩn mực ở tất cả những gì họ thực hiện. Hãy nhìn những người thắng giải ở Cannes năm trước: Chipotle, Nike, Coke, Prudential, Visa, ... Tất cả đều tập trung vào một chuẩn mực cao được đưa vào thực tiễn một cách đẹp mắt và hoàn chỉnh. Các công ty này đang phát triển và viết nên một câu chuyện mới cho việc kinh doanh của họ.
Quan trọng hơn cả: Đây là năm "Chúng ta" chống lại "Cái tôi". Obama chiến thắng áp đảo bởi ông ấy là ứng cử viên mang tính xã hội, thoải mái, quan tâm đến người khác. Romney hơi mang tính cá nhân hơn. Các chính sách thay đổi kinh tế sắp tới sẽ chia đều trách nhiệm cho tất cả mọi người để góp vào những khu vực cần đầu tư như sức khỏe cộng đồng. Tấn bi kịch tại Newton sẽ khiến chúng ta trở nên mềm mỏng hơn ở nhiều vấn đề, và sự đồng cảm của cộng đồng dành cho nhau cũng tăng lên. Đừng đánh giá thấp sự ảnh hưởng của một sự kiện như vậy. Những người tạo dựng thương hiệu cần biết nắm rõ và phân tích những sự kiện như thế này.
Zach Foster, Giám đốc chiến lược, Droga5
Con người bắt đầu trở nên dựa dẫm và nuông chiều nỗi thèm khát được chấp nhận và đề cao từ cộng đồng. Chúng ta tiếp tục cố gắng câu kéo từng “like” một, tích trữ càng nhiều lời chúc mừng sinh nhật càng tốt, khoe mẽ khả năng chụp ảnh để được yêu thích và chúng ta thỏa mãn bản thân bằng cách tìm kiếm những thông tin mới nhất và khoe nó với những khác trong cộng đồng. Rõ ràng là những biểu hiện này còn lâu mới biến mất, nhưng tôi tin là một làn sóng mới về sự chấp nhận cá nhân thay vì cộng đồng sẽ dần chiếm lĩnh xã hội.
Thông tin, công cụ, trang web, ứng dụng và thiết bị mới đang theo dõi hoạt động và thành tựu của chúng ta, khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, kể cả khi không ai nhìn đến. FuelBand và FitBit ép chúng ta leo cầu thang thay vì dùng thang máy Codecademy khiến chúng ta thể hiện phần mọt sách trong bản thân. Aherk! “tống tiền” chúng ta qua mạng xã hội nếu các mục tiêu không được hoàn thành. Progressive’s Snapshot thưởng cho kĩ năng lái xe của chúng ta bằng lãi suất cao hơn. Đôi lúc những giải thưởng cá nhân này có thể là sản phẩm thực tế (như của Progressive), nhưng đa số những quà thưởng đó chỉ là những sản phẩm ảo, được tạo ra để theo dõi sự nỗ lực của chúng ta và thúc đẩy ta cố gắng để đạt lấy những điểm số “vô giá trị”, những phù hiệu, cấp độ và cúp ảo.
Lúc ban đầu, những giải thưởng này có vẻ vớ vẩn, như sản phẩm nông trại ảo hay phù hiệu chỉ địa điểm, không mấy cuốn hút. Nhưng làn sóng mới của những giải thưởng cá nhân này sẽ tiếp tục định hình cách mà chúng ta sống, học hỏi, và phát triển. Trong năm 2013 và sau đó nữa, các thương hiệu sẽ tiếp tục tìm kiếm cách để nuôi dưỡng mong muốn được đề cao trong xã hội của chúng ta. Nhưng thứ làm thay đổi cuộc chơi sẽ là những gì đi sâu hơn, với thông tin và dụng cụ khiến chúng ta tốt hơn ngay cả khi chẳng có một cú “like” nào xác nhận điều đó.
Tom Naughton, Giám đốc chiến lược, Droga5
Mọi người đều không thích cảm thấy thiếu tôn trọng. Vì vậy những dịch vụ như Instagram hay Facebook cần phải hiểu rằng chỉ vì họ là một phần khá lớn của văn hóa hiện đại, không có nghĩa là họ không sở hữu những khách hàng cảm thấy mình bị đối xử tệ. Các marketers sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để làm phiền người khác trong năm 2013 tới đây. Với mỗi sản phẩm công nghệ mới được ra đời, lại tạo ra một nơi mà người ta không muốn tiếp xúc với nhà quảng cáo. Những marketers không tôn trọng không gian cá nhân của người khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Jonah Bloom, Trưởng phòng chiến lược của Kirshenbaum Bond Senecal + Partners
Thương hiệu tốt đẹp hơn: Với thanh niên độ tuổi từ 18 đến 34 tiếp tục thể hiện sự quan tâm của họ tới việc phát triển cộng đồng và môi trường chung, và một bộ phận chính phủ không đủ khả năng để tạo nên thay đổi có ý nghĩa, các doanh nghiệp có cơ hội để trở thành thế lực số một thúc đẩy sự phát triển. Điều này không chỉ có nghĩa rằng các công ty sẽ sử dụng kiến thức và nguồn lực của doanh nghiệp để xử lý những vấn đề lớn như thất nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ, chương trình giáo dục không có tính thực tế cũng như chăm sóc y tế cho dân số đang già đi. Định hướng được sự phát triển của một trong những lĩnh vực này và doanh nghiệp có thể hưởng lợi không chỉ ngắn hạn mà còn có thể trở thành kẻ đi đầu của một lĩnh vực trong vài thập kỉ.
Tiếp cận người tiêu dùng gần hơn nữa: Các doanh nghiệp ngày nay sở hữu số liệu và công cụ đủ để mang đến cho khách hàng những gì họ muốn, vào lúc họ muốn và ở nơi họ muốn. Quan trọng hơn, với sự tăng trưởng của thị trường smartphone, họ có thể làm việc này ở một mức độ cực kì lớn. Đó là lý do vì sao 2013 sẽ doanh nghiệp chuyển từ cách marketing rộng cũ kĩ và không hiệu quả sang marketing đánh trực tiếp vào biểu hiện của người tiêu dùng.
Content marketing: Content marketing trở thành một cơn sốt trong năm 2012, bất chấp việc bị hiểu nhầm về cách thực hiện cũng như tiềm năng của nó trong việc gia tăng doanh thu và phát triển thương hiệu. Tiềm năng của phương thức marketing này sẽ được chứng kiến một cách rõ ràng nhất trong năm 2013, khi marketers hiểu ra rằng: a) Lý thuyết đơn giản – khách hàng luôn được ưu tiên – sẽ là thứ quyết định cách mà bạn mang lại giá trị cho khách hàng và b) Nó có thể - và cần phải – được đo dựa trên cách nó thay đổi biểu hiện của khách hàng như gia tăng sự cân nhắc, và doanh thu.
Wojtek Szumowski, EVP/Giám đốc nhóm, kế hoạch, CP + B
Khám phá tiềm năng lãng mạn của công nghệ: Chúng ta đang ở một thời kì đầy sáng tạo – khi mà văn hóa hòa mình vào với công nghệ, con người liên tục hack, liên tục chống lại, sáng chế, tạo ra những nền công nghệ mới. Chúng ta đang tiến hóa cùng với công nghệ, chứ không còn đơn giản là sản sinh ra nó. Ngày nay người ta muốn được sống với câu chuyện riêng của mình, và thương hiệu kể câu chuyện riêng của họ thông qua quảng cáo được bao bọc dưới dạng kể chuyện.
Để tạo ra một dạng tương tác mới giữa thương hiệu, con người, công nghệ và văn hóa, chúng ta cần hiểu khả năng mở ra một không gian kể chuyện đủ rộng để khách hàng có thể tiến vào như là nhân vât chính chứ không còn đơn giản chỉ là người tiêu dùng của nhãn hàng và sản phẩm. Chúng ta cần nghĩ về khách hàng như nhân vật chính của một câu chuyện mà sản phẩm và nhãn hiệu có thể giúp tỏa sáng và phát triển, chứ không phải là đối xử như người tiêu dùng bình thường.
Khi khách hàng trở thành nhân vật chính của trải nghiệm này, họ sẽ hứng thú với những phần phụ, những trải nghiệm bất thường và sự vui sướng đầy tính phức tạp mà có thể thỏa mãn những nhu cầu tâm lý ít nổi bật hơn và mở ra những ý nghĩa và biểu hiện mới. Sản phẩm của chúng ta cần phỉa mang đến những biểu hiện mới của người tiêu dùng.
Chúng ta đang tiến đến một thời kì mà công nghệ phải mang một ý nghĩa mềm mỏng và lãng mạn hơn bởi con người cần tiếp cận đến nhiều lựa chọn hơn nữa và nó phải mang một sự giải thích khác về cuộc sống hiện tại. Chúng ta cần một thế hệ sản phẩm mới có thể khiến trải nghiệm và thế giới của chúng ta trở nên diệu kì hơn.
Theo anh/chị, những xu hướng tiêu dùng và truyền thông nào sẽ ảnh hưởng đến marketing năm 2013?
Lindsey Allison, Giám đốc kế hoạch, CP+B:
Là một nhà chiến lược, điều khiến tôi quan tâm nhất là làm thế nào ta có thể thay đổi chiến lược tiếp cận của chúng ta ở một thế giới mà người sử dụng và truyền thông lại đi ngược nhau. Con người là người kiểm soát, chỉ nhìn những gì họ muốn và bỏ qua những cái còn lại, điều này không còn mới lạ nữa. Nhưng làm thế nào để ta có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ ra chiến lược để có thể thích ứng với điều đó? Và làm thế nào chúng ta có thể hệ thống hóa để làm được điều đó?
Chúng ta không thể chỉ làm những việc mình vẫn làm – tìm ra thông điệp mà thương hiệu cần nói và tin tưởng rằng đối tượng khách hàng đúng đắn sẽ nhìn thấy nó, chưa kể đến việc chia sẻ nó. Một thương hiệu cần phải trở thành công cụ giải quyết vấn đề của xã hội. Từ những vấn đề lớn như thời tiết, nạn béo phù hay giáo dục – tới những điều nhỏ hơn – như là tìm ra chiếc quần jeans hoàn hảo, thúc đẩy việc tập thể dục thường xuyên hay đặt một cái pizza. Chúng ta nên hỏi “Vậy vấn đề thực tế nào mà sản phẩm và thương hiệu của chúng ta có thể giải quyết,” và sau đó tìm một cách sáng tạo nhất để giải quyết vấn đề đó.
Tôi nghĩ rằng giải pháp nằm ở sự hội tụ của cách lên kế hoạch truyền thống và trải nghiệm của người tiêu dùng. Một nhóm chuyên dụng khám phá ra những mong muốn và sự khó chịu mà khách hàng phải chịu, những điều mà sản phẩm của chúng ta có thể giải quyết, những câu chuyện mà sản phẩm chúng ta vô cùng muốn kể và cuối cùng mở ra một con đường mà thương hiệu có thể tạo ra những biểu hiện mới và tốt hơn.
Angela Courtin, Trưởng phòng kiến tạo nội dung của Aegis Media Americas và Giám đốc của Story Lab:
Tôi đoán rằng năm 2013 sẽ là một năm chúng ta bớt đi những trải nghiệm online và gia tăng những trải nghiệm offline. Có một cụm từ mới đi ngược lại với ý nghĩa của FOMO: JOMO. Joy of moving on (niềm vui của việc tiến lên). Ý nghĩa của nó nói rằng việc không bị nuốt chửng bởi hiện thực suốt ngày cũng là một việc tốt đẹp. Với việc các bi kịch xảy ra thường xuyên hiện nay, do cả con người và thiên nhiên tạo ra, tôi dự đoán sẽ có một cú đẩy tới sự liên kết rộng hơn nữa. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn tới cách chúng ta đưa ra thông tin và nội dung chúng ta tạo ra, cũng như trải nghiệm chúng ta hướng tới. Truyền thông nên và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thương hiệu làm tốt việc này: Nhiều niềm vui hơn, nhiều cuộc chơi hơn, nhiều sự tò mò hơn và nhiều kết nối hơn.
John Roberts, Trưởng phòng chiến lược, Partners + Napier:
Sự gia tăng các chọn lựa sẽ thúc đẩy việc trao đổi giá trị. Với càng ngày càng nhiều các lựa chọn về thương hiệu, sản phẩm và giờ là lựa chọn kênh và thiết bị truyền thông, chúng ta đang hướng tới một thời kì có quá nhiều chọn lựa. Có quá nhiều thứ để quan tâm, vì vậy, marketers cần phải nhận ra tốt hơn cái giá của việc người tiêu dùng quan tâm đến mình. Điều gì thương hiệu mang lại mà khiến khách hàng thực sự đánh giá cao?
Trực giác, người bạn của trái tim, sẽ thống trị: Chúng ta sẽ chứng kiến những thứ mang lại trải nghiệm mang tính tình cảm và khiến khách hàng bỏ qua nhiều lựa chọn mang tính lý trí mà họ phải đối mặt.
Sự thật sẽ nói lên tất cả: Người tiêu dùng đã trở nên mệt mỏi với bong bóng marketing và chính trị. Sự chân thật từ thương hiệu sẽ gia tăng, và điều này cũng có nghĩa là một vài thương hiệu không biết cách để kể câu chuyện của họ cũng sẽ gia tăng.
Lắng nghe sẽ được cân bằng với diễn giải: Các công cụ và dữ liệu từ mạng xã hội giúp chúng ta có thể nắm được người tiêu dùng đang làm gì, nghĩ gì và cảm thấy gì, nhưng marketers đẳng cấp sẽ để ý đến lý do tại sao tất cả những điều đó lại xảy ra. Câu hỏi “tại sao” rất dễ để hỏi, nhưng lại rất, rất khó để tìm thấy câu trả lời.
Flora Proverbio/Regina Campanini, chuyên viên kế hoạch chiến lược, Del Campo Nazca Saatchi & Saatchi Buenos Aires:
Ảnh hưởng của điện thoại di động: Bây giờ là lúc mà mọi khoảnh khắc đều có giá trị, bất chấp nó ngắn đến đâu. Giờ là lúc mà cụm từ “thời gian phí phạm” biến mất. Không còn những dòng chữ nhàm chán ở siêu thị hay ở phòng chờ khám bênh. Mọi khoảnh khắc cần trở thành một trải nghiệm có ý nghĩa bởi vì giờ chúng ta có những thiết bị di động cực kì mạnh mẽ. Làm thế nào để những khoảnh khắc ấy trở thành những khoảnh khắc xây dựng thương hiệu thành công? Chúng ta nên nghĩ đến cách tạo những khoảnh khắc siêu nhỏ hơn là quảng cáo.
Walt Barron, Giám đốc kế hoạch khách hàng, McKinney:
Rất nhiều người trong ngành tiếp thị và quảng cáo có xu hướng căm ghét chính mình. Chúng ta liên tục bị xếp vào hàng công việc ít được yêu thích và tin tưởng nhất – chúng ta là người cố gắng điều khiển và khiến người khác mua những thứ họ không cần, và đôi lúc thậm chí không đủ khả năng chi trả. Nhưng cùng lúc đó, mối quan hệ của khách hàng với thương hiệu nào đó trở nên vững chắc hơn. Người ta có thể ghét quảng cáo chung chung, nhưng họ lại YÊU nhãn hàng yêu thích, sản phẩm và dịch vụ yêu thích của họ. Và họ muốn yêu thích cả những quảng cáo của nhãn hàng đó nữa. Vì vậy, khi mà khách hàng tiếp tục hầu như không quan tâm đến quảng cáo nói chung, họ lại rất để ý và đặt yêu cầu cao cho những quảng cáo từ thương hiệu mà họ yêu thích và sử dụng.
Điều này đẩy marketing đến ít nhất hai hướng khác nhau. Đầu tiên, những nhãn hàng mạnh mẽ nhất sẽ thỉnh thoảng đổi hướng chi tiêu vào quảng cáo của họ; từ việc yêu cầu người ta làm việc gì đó, chuyển thành tặng cho người tiêu dùng những thứ có thể thay đổi và củng cố cuộc sống của họ được tốt hơn – như một chuyến đi nghỉ, một cảm hứng, động lực, công cụ hay một nụ cười. Và bù lại, khách hàng sẽ chia sẻ những điều này thường xuyên hơn, không phải bởi vì họ muốn giúp doanh nghiệp, mà bởi vì họ muốn giúp bạn bè, gia đình, cộng đồng mình. Tại McKinney chúng tôi gọi nó là “Nói về công việc” – những việc quá tốt để không thể không chia sẻ. Người tiêu dùng chia sẻ những video (như video “Thank You, Mom” của P&G), download và sử dụng ứng dụng và công cụ (như Chiiplt! Từ Sherwin-Williams), chơi games (như Play Spent), và kể cho người khác để họ làm những điều tương tự. Họ sẵn sàng truyền bá thương hiệu, bởi thương hiệu đó mang lại cho họ những thứ đáng để chia sẻ.
Thứ hai, các nhãn hàng đang mời người tiêu dùng tham gia các hoạt động nhiều hơn. Điều này sẽ giúp cho khoảng cách giữa hoạt động của công ty và người tiêu dùng trở nên ngắn hơn, gạt bỏ bớt tầm quan trọng của quảng cáo và gia tăng hoặc giữ vững quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu. Các thương hiệu đang mời khách hàng tạo ra sản phẩm và dịch vụ cùng với họ (My Starbuck Idea, Dell Ideastorm, Local Motors’ The Forge). Họ lắng nghe phàn nàn một cách chủ động hơn, thú nhận khi mắc sai lầm và cởi mở hơn về những hoạt động để phát triển (Domino’s). Và kết quả cho sự minh bạch, rõ ràng này là khách hàng thường thích những thương hiệu này hơn sau đó, không phải là vì họ bỏ qua cho những thiếu xót của nhãn hàng, nhưng bởi vì những thương hiệu này chứng tỏ rằng họ lắng nghe người tiêu dùng và đang làm một điều gì đó để cải thiện nó.
Và vì vậy, trong năm 2013, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thương hiệu mở cửa hơn, thú nhận và kéo người tiêu dùng vào những hoạt động của họ. Và sau đó các thương hiệu này sẽ đòi hỏi ít hơn và cho đi nhiều hơn, hay nói một cách khác, họ sẽ “không hỏi khách hàng đã làm gì cho ta, mà hỏi ta đã làm gì cho khách hàng hôm nay.” Và có lẽ sau đó, người tiêu dùng sẽ có một quan điểm tốt hơn về quảng cáo, và những người ở trong ngành như chúng ta sẽ không phải ghét bản thân mình đến thế.
Nate Swenberg, SVP, Quản lý kế hoạch truyền thông quốc tế, BBDO:
Theo dự đoán của tôi, nửa sau của 2013 sẽ đánh dấu một thời kì chuyển giao mới của marketing, một điểm thay đổi mà đã dần bắt đầu, mang chúng ta từ gần một thập kỉ của công nghệ điện tử và mạng xã hội, sang một môi trường mới nơi mà các giá trị sẽ thay đổi và mang tới một bệ phóng vững chắc hơn để các công ty có thể marketing và quảng cáo hiệu quả.
Điều tôi muốn nói ở đây là cách các công ty sẽ bắt đầu dành ưu tiên, lên kế hoạch, khởi động và đo lường cách mà họ bán và tương tác với người tiêu dùng; một quá trình có cân nhắc và giàu thông tin, có thể tạo nên chỗ đứng và kinh phí cho những thử nghiệm sáng tạo và truyền thông theo cơ hội, trong lúc đó vẫn tập trung vào những thứ đã có hiệu quả từ trước.
Tôi nhận thấy những thay đổi này sẽ xảy ra bởi ba sự phát triển nổi bật nhất của năm 2012:
1) Các quy luật và hiệp định của việc trao đổi giá trị giữa marketer, chủ kênh truyền thông và khách hàng trở nên dễ hiểu hơn - ở cả dạng truyền thống, giấy tờ quy định của công ty và luật từ chính phủ hay qua việc hiểu ngầm và được cộng hưởng bởi comment, tweet, email và hành động cụ thể. Phi vụ ồn ào của Instagram là một ví dụ cụ thể.
2) Thông qua sự kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn, cả khách hàng lẫn công ty quảng cáo đều đã tăng IQ về marketing điện tử và mạng xã hội lên khá nhiều. Đa số đều đã hiểu khá tốt những gì có hiệu quả và có thể thực hiện được trên nền điện tử và mạng xã hôi. Quan trọng hơn, họ hiểu được cách chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ - nhân viên, tài lực, các quy định – nhưng vẫn có thể đánh giá được hiệu quả của các cơ hội. Sự hiểu biết này về không gian và giới hạn của những gì có thể làm được là một thay đổi vô cùng quan trọng.
3) Cuối cùng, cũng có một thay đổi lớn về động lực lèo lái nhiều quyết định về marketing điện tử và mạng xã hội – đó là mục tiêu tài chính và văn hóa. Được nhe nhóm bởi thời kì suy thoái kinh tế và góp lửa bởi sự thấu hiểu không gian marketing điện tử, tôi đang chứng kiến một sự thay đổi từ việc đặt trọng tâm vào đề cao những kiến tạo mới của những thứ được coi là “mới mẻ và nguyên bản”, và quay trở lại một phương pháp cân bằng hơn đó là đề cao những doanh nghiệp có thể áp dụng lại ý tưởng đã thành công vào những phần khác của công ty.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì: Cuối cùng, một giới hạn cụ thể, kiến thức tốt hơn về không gian điện tử và mạng xã hội, và một cú chuyển mình của những gì được đề cao sẽ tạo ra một môi trường ổn định vào hiệu quả hơn cho các công ty marketing và quảng cáo có thể lên kế hoạch, khám phá và hành động.
Những xu hướng văn hóa nào có thể ảnh hưởng đến marketing?
Wojtek Szumowski, CP+B:
Mong muốn được khám phá lại thực tế: Chúng ta đang ở một thời khắc vô cùng thú vị khi mà ta tiến hóa cùng với những công nghệ được cá tính hóa bởi những đam mê sâu thẳm nhất của chúng ta để khám phá lại thế giới, để tận hưởng và trải nghiệm nó. Chúng ta đang ở thời khắc mà ta có thể dùng công nghệ để mang ma thuật tới thế giới thật thông qua máy tính tương tác. Mục tiêu của máy tính tương tác là vượt qua những giới hạn thường nhật để đưa đầu óc chúng ta đến những tưởng tượng điên rồ nhất và chuyển những mối quan hệ thường thấy giữa người và vật đến một vùng trí não mới. Máy tính tương tác cũng là một cơ hội để mang ta trở về làm con người, về không gian gần gũi với chúng ta. Ta có thể dùng máy tính tương tác để giúp con người khám phá lại thực tế. Ta có thể phát minh là một phương pháp tương tác mới giữa con người và thương hiệu, sử dụng các tiềm năng phát triển của công nghệ như một lăng kính giúp người dùng có thể có một cái nhìn cảm thông hơn tới họat động của con người.
Tom Naughton, Droga5:
Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều thương hiệu sử dụng các phương thức trung thực để marketing. Khách hàng đang chán ngán với những chiêu lừa đảo vụn vặt của marketer, và bắt đầu cầu xin nhà quảng cáo để họ bớt nói nhảm đi. Vì vậy tất cả các phương thức giao tiếp lẫn sáng tạo đều sẽ thay đổi.
Tính địa phương vẫn rất quan trọng. Đã có một quãng thời gian mà tính địa phương có nghĩa là sản phẩm mang tính thủ công hoặccó chất lượng cao hơn, nhưng điều đó không còn quan trọng vào ngày nay nữa. Khách hàng thích ủng hộ thành phố hay khu vực của họ, cho dù đôi lúc điều đó có nghĩa là họ phải hy sinh chất lượng. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều nỗ lực kêu gọi từ người dân đến marketer, rồi tới chính trị gia và chính phủ. Hành động của quốc gia này là quá chậm. Khi mà người ta càng ngày càng trở nên chán nản với việc bị ngó lơ, họ sẽ bắt đầu tự nắm lấy vận mệnh của mình bằng cách thúc đẩy nó qua nhiều phương tiện khác nhau để bắt đầu.
Zach Foster, Droga5:
Khoảng cách giữa “trách nhiệm của doanh nghiệp”, quảng cáo, PR và marketing cho sản phẩm sẽ tiếp tục co hẹp lại. Đó là vì ngày nay, hơn lúc nào hết, ta mong muốn nhiều hơn từ những thương hiệu của chúng ta – không phải chỉ trên chất lượng, mà trong cả cách họ sản xuất sản phẩm, đối xử với môi trường, cộng đồng và nhân viên của họ. Ngắn gọn hơn, trước khi ta mua hàng, ta thường phải biết liệu công ty này có đang khiến cho thế giới (dù rất ít) trở nên tốt đẹp hơn. Trong một môi trường văn hóa ngày càng có tính liên kết cao và rõ rệt này, các marketer thành công nhất sẽ tiếp tục là những người truyền thông “mục đích” mà công ty và dự án của họ mang tới một cách rõ ràng nhất. Với Droga5, mục tiêu của một thương hiệu là điểm xuất phát của tất cả các mảnh ghép truyền thông mà chúng tôi thực hiện, cho dù đó là mang tới sự thật cho dòng sản phẩm beer với Newscastle Brown Ale hay giúp đỡ Prudential tạo cảm hứng cho thế hệ hưu trí tiếp theo với những câu chuyện thật từ những người thật.
Flora Proverbio/ Regina Campanini, Del Campo Nazca Saatchi & Saatchi Buenos Aires:
Địa phương/toàn cầu: Mặt trái của các thương hiệu quốc tế là họ lạnh lung và xa cách, khi mà các công ty cố gắng thúc đẩy các chiến dịch toàn cầu của họ trở nên hiệu quả, khách hàng sẽ yêu cầu sự gần gũi và thân cận hơn nữa. Những người quảng cáo như chúng ta sẽ phải làm việc cân bằng hai điều này một cách hiệu quả.
Biểu tượng mới: Một người phụ nữ thành công ngày nay sẽ là người sở hữu cả sự nghiệp lẫn gia đình. Thành công của người đàn ông đanh được đánh giá lại. Ngày nay, người đàn ông tiêu chuẩn cũng phải là một người cha quan tâm và chăm lo cho con cái. Chúng ta nhìn thấy điều này ở các công viên, trường học, blog của bố mẹ và họ đang trở nên quan trọng hơn trong các lĩnh vực sản phẩm vốn chỉ thuộc về các bà mẹ (tã lót, thức ăn, sản phẩm lau rửa, v..v..)
(Theo the Fast Company)