Ngày đăng: 22/03/2012 | Lượt xem: 5301
Càng ngày teen càng lên ngôi, bởi phân khúc thị trường này hiện nay là món bánh béo bở mà những nhà kinh doanh nhắm đến. Và thế là event cho teen vì thế mà cũng phát triển rầm rộ.
Bên cạnh nhiều event agency kiêm nhiệm mảng tổ chức event cho đối tượng này như một phần công việc tổ chức sự kiện của mình, có nhiều công ty lập ra để “chăm sóc” cho riêng đối tượng này, và xây dựng các chương trình dành riêng cho teen như Yeah1, Sao Việt, Clover…
Xin bỏ qua các vấn đề định nghĩa về teen, dẫn chứng các event tiêu biểu cho teen đã và đang được tổ chức để đi thẳng vào vấn đề cần nói là những điểm cần chú ý khi tổ chức event cho teen.
Lối mòn chưa nhiều bứt phá
Event dành cho teen, 10 cái thì đến 9 cái sẽ có các tiết mục như là văn nghệ do ca sĩ nhóm nhạc teen thể hiện, nhảy break dance, chụp hình, chơi một vài minigame, giao lưu với thần tượng, đại sứ các loại… Các nhà tổ chức event dường như chưa sáng tạo và chưa mạnh dạn thể nghiệm các “chiêu” mới. Nhiều người tổ chức e ngại các tiết mục đó sẽ không hút hàng, vì vậy an toàn nhất là cứ bám lấy các tiết mục hút khách. Thế là nhắc đến event cho teen, thể nào cũng nhảy Hip hop, chụp hình… Cũng may là teen là đối tượng dễ dãi và ham vui nên hầu như event nào cũng đông khách. Nhưng đọng lại trong những khán giả này những gì về thương hiệu, concept… sau chương trình, câu hỏi này xin dành cho các nhà tổ chức event.
Các nhà tổ chức event thường hay mắc một lỗi nữa, đó là cố gò cho mình trẻ trung cho phù hợp với teen, nhưng làm không tới, thành ra chương trình bị khiên cưỡng, không hấp dẫn người tham gia. Để hiểu được insight (mong muốn ẩn dấu) của teen cũng như thể hiện ra đúng chất của “bọn trẻ” chưa bao giờ là việc dễ dàng. Không phải là cứ có các yếu tố công chúa, hoàng tử, cổ tích, kem dâu…, có giọng điệu nhí nhảnh, ngây ngô là ra teen. Từng có nhiều chương trình trẻ quá mức cần thiết mà nhìn vào, người xem cứ ngỡ Nhà tổ chức làm cho học sinh cấp 2, thậm chí là … nhi đồng.
Bên cạnh sự giống nhau về hình thức, lối mòn mang tính quan trọng trong event cho teen là concept. Người ta mừng rỡ khi tóm được insight của teen: thích thể hiện mình, thích nổi tiếng… thế là hàng loạt event ra đời đánh vào tâm lý này, nào là “ngày hội cá tính”, “khẳng định bản thân”, “toả sáng”… Trịnh Tú Trung, một nhân vật có thâm niên trong làng giải trí nhận xét: “Các event cho teen thường ít mang tính định hướng, đa phần là thỏa hiệp với nhu cầu của teen, và thường có sự can thiệp quá nhiều của nhà tài trợ. Điều này sẽ gây cảm giác phản cảm và khó chịu cho người tham gia”.
Một số event hay, lạ, nắm bắt đúng xu hướng hot như ngày hội cosplay, ngày hội môi trường… đã chào sân trong năm qua, hứa hẹn sẽ tiếp tục thành công nếu triển khai đúng hướng. Tuy nhiên những event như thế này chưa phải là nhiều, đòi hỏi người tổ chức cần phải sáng tạo hơn nữa nếu muốn bứt phá.
Đón đầu xu hướng mới – chìa khoá để thành công
Nếu chịu khó tìm hiểu về teen, những người tổ chức sẽ khám phá ra rằng: không chỉ có ngôi sao, hip hop, chụp hình, thể hiện mình, thích nổi tiếng… là những mối quan tâm của teen. Teen ngày nay có cơ hội tiếp xúc với thông tin nhiều hơn, suy nghĩ và cách thể hiện của họ đa dạng và nhiều chiều. Thay vì áp đặt suy đoán của mình cho họ, và tổ chức ra những event có tính sao chép nhau, các nhà tổ chức hãy bỏ thêm thời gian nghiên cứu các diễn đàn, blog, báo chí… của teen để khai phá ra các mong muốn tiềm ẩn, từ đó tạo ra các chương trình mới lạ mà vẫn đánh trúng tâm lý của họ. Và thành công là kết quả những người tổ chức sự kiện sẽ nhận được cho xứng đáng với sự “đầu tư” của mình.
Dự đoán một số xu hướng có thể dùng làm “nguyên liệu” cho sự kiện trong năm 2009: xu hướng bảo vệ môi trường (đã trỗi lên từ đầu năm 2008, đã có một vài event như Greenager tuy nhiên chưa có sự kiện nào thực sự bài bản, quy mô), xu hướng cosplay (đã có ngày hội cosplay, manga…, dự kiến sẽ tiếp tục hot trong năm nay khi manga ngày càng lên ngôi ở Việt Nam), cuộc đua hot boy, hot girl (có thể có các cuộc thi, bình chọn, có thể đi vào các khía cạnh chưa được khai thác…), thể hiện những hành động lập dị, shock để được nổi tiếng (có thể khai thác để tạo những cơ hội cho các “tự lăng xê viên” này có đất dụng võ, thay vì lối mòn quen thuộc là thi sắc đẹp, thi hát..), xu hướng tạo “chất” riêng cho mình (có thể khai thác để lăng xê các tài năng teen trên các lãnh vực lạ lạ, hay hay như lướt ván, tâng bóng, hùng biện…).
Tuy nhiên thiết nghĩ, Nhà tổ chức không nên chạy theo thị hiếu, làm ra những chương trình chiều theo ý thích của teen mà không quan tâm đến mức độ đóng góp và cải thiện thái độ sống của teen. Có một định hướng đúng đắn, lành mạnh trong event cho khán giả của mình, không đơn thuần là vấn đề xã hội mà nó liên quan đến mức độ tín nhiệm mà các khán giả trẻ dành cho thương hiệu. Teen ngày nay có con mắt nhìn nhận khôn ngoan hơn chúng ta tưởng, mải mê chạy theo thị hiếu một cách hời hợt thì không bao giờ bền
Tags: