Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 10039
Việt Nam đang có 400.000 doanh nghiệp. Chỉ với 30% công ty cần một chuyên gia thương hiệu thì nhu cầu đã là 120.000 người. Thử hỏi đã có bao nhiêu trường Đại học tại Việt Nam giảng dạy chuyên ngành về thương hiệu và truyền thông thương hiệu?. Thách thức thật sự với bạn trẻ đam mê nghề này là muốn thành chuyên gia giỏi mà không có nhiều trường Đại học giảng dạy.
Truyền thông Thương hiệu là gì ? Cùng với Truyền thông Marketing và Truyền thông Sáng tạọ tạo thành một “tam giác” thú vị cho ngành công nghiệp quảng cáo hiện đại. Những bàn luận sâu rộng về 7P trong marketing cũng chỉ xoay quanh về P thứ 5,6 và 7 ( Bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá), Promotion (Xúc tiến), Place (Địa điểm), Packaging (Đóng gói), Positioning (Định vị) và People (Con người)). Các khám phá về P thứ 5,6,7 này chính là khám phá tinh túy và đặc trưng cốt lõi của Truyền thông Thương hiệu. Kinh tế thị trường hội nhập một cách sâu rộng và phổ cập trong thế giới phẳng làm cho các giá trị cốt lõi về vật chất trong sản phẩm không còn là lợi thế lớn nhất. Và cũng nhờ sự bùng nổ của internet, truyền thông đại chúng có tính tương tác cao thúc đẩy nhanh quá trình thực thi “quyền lực” của thương hiệu mới và người tiêu dùng mới. Đó là một em bé 6 tuổi có thể yêu cầu bố mẹ mua cho mình một nhãn hiệu sữa mới mà em yêu thích hình ảnh quảng vừa xem trên tivi. Đó là hàng triệu bà nội trợ có thể tức thì tẩy chay một nhãn hiệu hàng tiêu dùng vì chúng đang hủy hoại môi trường, dù trước đó nhãn hiệu này đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho quảng bá. Và đó cũng có thể là hàng trăm triệu người trên thế giới mua ủng hộ hàng điện tử “made in Japan” để gián tiếp trích một phần tiền ủng hộ cho nhân dân Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần…
Liệu chúng ta có cần tìm hiểu xem, tại sao chuyên ngành Truyền thông Thương hiệu lại không được giảng dạy cho sinh viên Đại học chuyên ngành ?.
Quan hệ công chúng (PR)- Nghề đang “hot”: Nhận định này hoàn toàn đúng. Một sinh viên khá giỏi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Ngữ văn – Anh, làm việc tại phòng đối của tập đoàn đa quốc gia về ngành hàng tiêu dùng nhanh chăm sóc sức khỏe 3-5 năm, được tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về PR bài bản (khoảng 100 -150 giờ), rất có thể nhanh chóng thăng chức PR Manager tại tập đoàn đa quốc gia nước giải khát khác. Nghề PR của ĐH Việt Nam có rất nhiều trường giảng dạy nhiều năm nay và hàng năm có hàng ngàn sinh viên ra trường. Vậy sao có thể nói nghề PR vẫn đang rất “hot” ?
PR có nhiều nhóm công chúng khác nhau: PR với nhà đầu tư; với V.I.P; với khách hàng đại chúng; với khách hàng mục tiêu; với chính quyền; với giới truyền thông (báo giấy, nói, viết); PR nội bộ và PR 2.0…Hòa trộn trong tất cả các nhóm công chúng này đều thể hiện 2 hình thức cơ bản: PR vì lợi nhuận hay PR phi lợi nhuận. Chiến lược PR lợi nhuận thì quá rõ với các hoạt động marketing, xây dựng thương hiệu. Chiến lược PR phi lợi nhuận như “văn hóa trong giao thông”, “nói không với túi nilon”, “bảo vệ loài gấu”…Hiện nay tất cả các doanh nghiệp, công ty hay tổ chức đều có các hoạt động liên quan đến xây dựng hình ảnh, uy tín nên công cụ PR trở nên rất hữu ích. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: PR là công cụ truyền thông marketing, truyền thông thương hiệu xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh(cho doanh nghiệp hay tổ chức) trong ngành công nghiệp quảng cáo?. Thật lạ, khi PR không ở trong các trường chuyên về marketing và kinh doanh nhỉ ?.
Ngành Tổ chức Hội nghị - Sự kiện (TC-HNSK): Cần có cái nhìn rộng hơn !. Đây là một lĩnh vực rất rộng, nó lan tỏa mọi ngóc ngách của đời sống sinh hoạt con người và xã hội. Những năm gần đây ngành TC-HNSK phát triển rất mạnh là do sự tác động kéo theo của ngành công nghiệp quảng cáo. Event trở thành công cụ “kích hoạt nhãn hiệu” (brand activation) chủ lực cho hoạt động truyền thông marketing và truyền thông thương hiệu. Event cũng là “duyên cớ” trợ giúp truyền thông thực hiện các chiến dịch PR xây dựng thương hiệu yêu thích. Tuy nhiên, chỉ chừng ấy vai trò Event là chưa nói hết ý nghĩa của ngành TC-HNSK.
Một số loại hình chính sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rộng hơn về nghề Event chuyên nghiệp. Ngành TC-HNSK bao gồm: Hội họp (Meetings) – Triển lãm (Expositions) – Sự kiện (Events) – Hội nghị (Conventions). Các sự kiện thường gặp: Cuộc Họp (Meeting - Assembly) – Giới thiệu sản phẩm mới (New product/service launch) – Lễ Khai trương/Kỷ niệm (Ceremony/Anniversary) - Triển lãm (Exhibition – Exposition- Fair) – Giới thiệu thương mại (Trade Show) – Lễ hội (Festival) - Hội nghị (Convention-Conference) – Hội nghị chuyên đề (Seminar - Symposium) – Hội thảo (Workshop) – Các buổi họp ngắn (Break-out sessions) – Đại hội (Congress) – Diễn đàn (Forum) –– Lễ bổ nhiệm (Institute) – Chương trình diễn thuyết (Lecture) – Hội thảo truyền hình (Panel) – Du lịch khích lệ (Incentive Travel/Trip)…
Làm sao trở thành chuyên gia giỏi về truyền thông thương hiệu, PR và Event ?: Ở Việt Nam, hiện nay chỉ có chuyên ngành PR (khoa Báo chí & Truyền thông – Mã ngành: 523201) được đào tạo và chủ yếu thuộc về các trường Đại học Khoa học – Xã hội chứ không ở trong các trường marketing và kinh doanh. Vì vậy, bạn phải nỗ lực tự học trong công việc, đồng nghiệp hoặc tham gia vào các khóa đào tạo ngắn hạn tại các Học viện quảng cáo chuyên ngành. Hiệp hội Quảng cáo Thế giới (IAA) đã xây dựng một chương trình khung chuẩn, có tính ứng dụng cao nhất và chuyển giao giáo trình này cho 61 trường Đại học và Học viện trên toàn cầu. Liên đoàn các Hiệp hội Quảng cáo ở châu Á – TBD (AFAA) cũng đóng vai trò chính yếu trong việc đào tạo nghề quảng cáo, truyền thông thương hiệu, truyền thông marketing, PR và Event chuyên nghiệp . Quảng cáo là loại hình đào tạo nghề, giàu hàm lượng thực hành, ứng dụng chứ không phải đào tạo kiến thức hàn lâm như các trường ĐH. Vì vậy, những người tham gia giảng dạy bắt buộc phải là nhà quảng cáo, truyền thông, PR chuyên nghiệp thì việc học của bạn mới mong có kết quả tốt. Nơi lựa chọn để học PR, Event phải là pháp nhân tổ chức nghề nghiệp đại diện chính thức của các nhà quảng cáo, truyền thông chuyên nghiệp và có quy trình kiểm soát chất lượng tốt nghiệp bằng kết quả của một dự án có tính thực tiễn cao mà người học phải tự mình làm được.
Để trở thành chuyên gia giỏi với nghề này thì bạn hãy “học cách làm” (How to do) tốt nhất chứ không phải học cách…nghe tốt nhất (!).
Chúc bạn thành công !
Viện trưởng
Đỗ Kim Dũng
Tags: